Ngân hàng Nhà nước lần thứ sáu liên tiếp dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính

Thứ sáu, 25 Tháng 6 2021 13:46 (GMT+7)
Tại Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2020 (SIPAS), do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức chiều 24-6 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định kết quả của sự nỗ lực cải cách hành chính bằng việc lần thứ 6 liên tiếp dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính trong số các bộ, ngành.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến.
 
Ngày 24-6, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để đạt được những kết quả nổi bật trong suốt 10 năm qua, có thể khẳng định công tác cải cách hành chính của ngành Ngân hàng luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, trước hết từ nhận thức sau đến hành động, từ Thống đốc đến toàn thể cán bộ công chức và người lao động ngành Ngân hàng, thông qua việc chỉ đạo triển khai đồng bộ các lĩnh vực cải cách hành chính.
 
Nhận thức vị thế của một một ngành kinh tế trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, cải cách là xu hướng tất yếu khách quan để ngành Ngân hàng làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong việc duy trì điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập quốc tế. Ngân hàng Nhà nước đã mạnh mẽ, chủ động trong chương trình cải cách hành chính, lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trong nước và trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn.
 
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế khắc phục khó khăn từng bước phát triển vững chắc, Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa hành động cho toàn ngành chương trình kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh cho giai đoạn cũng như từng năm. Trong đó, tập trung vào việc đổi mới quy trình hoạt động ngân hàng, nâng cao minh bạch, cắt giảm thủ tục, tiết giảm chi phí hoạt động để hạ giá thành dịch vụ, giảm lãi suất cho vay trên cơ sở bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Đơn cử như mới đây nhất, trước tác động ghê gớm của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước là một trong những bộ, ngành đi đầu sớm có giải pháp chung với xã hội để tháo gỡ khó khăn duy trì hoạt động nền kinh tế, tạo những bứt phá trong giai đoạn khó khăn và đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường ngay sau khi có chủ trương Chính phủ dừng giãn cách xã hội.
 
Nhờ sự quyết tâm trong chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sự nỗ lực chung trong toàn Ngành, cả sáu lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đều đạt được những kết quả rõ nét tích cực. Theo đó, thể chế pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng trong tình hình mới.
 
Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm mạnh mẽ. Nếu tính trong cả giai đoạn 10 năm qua, đã có hơn 80% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Theo kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/cá nhân về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chỉ số hài lòng hằng năm đều đạt hơn 98%.
 
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong giai đoạn 2011-2020, Ngân hàng Nhà nước được giao tăng từ 35 lên 37 nhiệm vụ, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn cắt giảm toàn bộ cấp phòng tại hai đơn vị cấp Vụ, giảm 74 đơn vị Phòng trong toàn hệ thống, tỷ lệ giảm hơn 16%. Đã cắt giảm từ 11 xuống còn tám đầu mối trực thuộc; giảm 18 đơn vị cấp phòng của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Đối với cải cách tài chính công, Ngân hàng Nhà nước đã giao quyền tự chủ về tài chính đối với 7/7 đơn vị sự nghiệp công lập góp phần giảm chi phí hành chính từ ngân sách nhà nước.
 
Cũng theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, căn cứ vào chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xác định các nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 trong đó, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào ba trụ cột chính, gồm: cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
HỒNG ANH - (nhandan.vn)
 

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm