Bị “lập bàn thờ” trên mạng với khoản nợ vay không phải của mình

Thứ hai, 23 Tháng 5 2022 12:06 (GMT+7)
Sau khi đồng ý vay tiền qua app, bên cho vay có quyền truy cập vào danh bạ, tin nhắn để khống chế người vay; một số người không liên quan cũng bị "lập bàn thờ" trên mạng xã hội.
 
Sau khi đăng bài "Ám ảnh những cuộc gọi đòi nợ", rất nhiều người dân, bạn đọc đã gọi điện đến đường dây nóng Báo Người Lao Động trải lòng về những phiền muộn, uất ức mà họ đã trải qua.
 
Bị gán nợ dù không vay tiền
Nhiều người không giấu được nỗi bức xúc khi hình ảnh cá nhân, con cái được "lập bàn thờ" trên mạng xã hội. Là một thạc sĩ, chuyên viên nghiên cứu, anh P.H.P. (SN 1987) bao giờ cũng giữ hình ảnh chuẩn mực, ít khi đăng chuyện cá nhân lên facebook. Một buổi sáng, anh P. giật mình khi thấy hình ảnh của mình được một số người bạn gửi đến. Xem qua, anh P. bất an vì không chỉ ghép hình của anh lên quan tài mà còn bị kẻ xấu còn gán cho anh mượn nợ 100 triệu đồng cố tình không trả.
 
Anh P. liên hệ số điện thoại đòi nợ thì nhận được những lời đe dọa: "Tao cảnh cáo mày, mày phải trả nợ cho Nguyễn Anh Trung, nếu mày không trả hoặc không hối nó trả thì đừng trách bước kế tiếp tao không nhân nhượng". Sau 5 ngày cố gắng giải thích trong vô vọng, anh P. ra công an trình báo thì mới được yên ổn.
 
Bị lập bàn thờ trên mạng với khoản nợ vay không phải của mình - Ảnh 1.
Nhiều nạn nhân bị đưa "lên bàn thờ" với khoản nợ không phải của mình
 
Mới đây, dư luận lại xôn xao việc một cô giáo ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai vay nợ với lãi suất "cắt cổ", tiền vay và lãi phải trả lên đến 200 triệu đồng. Do chậm trả, cô giáo, nhà trường và nhiều phụ huynh, học sinh đã bị bêu rếu, "tế sống" trên mạng xã hội.
 
Đây không phải là trường hợp cá biệt đau đầu vì khoản nợ của người khác, cách đây không lâu, bà Nguyễn Trần Như A. (Giám đốc một công ty có 500 nhân viên, trụ sở huyện Củ Chi) phải mất nhiều tháng giải quyết chuyện một số công nhân công ty vay tiền qua app, mượn nợ ‘tín dụng đen" bên ngoài xã hội.
 
Ban đầu, các đối tượng đưa xe có dán thông tin đòi nợ đậu trước công ty bà A. yêu cầu bà phải trả nợ cho công nhân. Bà A. cho người ra giải thích "ai mượn người đó trả, không đòi được lên công an" thì chỉ nhận được lời thách thức. Mức độ nặng hơn, các đối tượng gọi điện, nhắn tin khiến bà A. mất ăn mất ngủ vì liên tục đọc các tin nhắn xúc phạm danh dự, đòi tung tin đến đối tác làm ăn. Bà A. cho rà soát thì được biết một số công nhân có vay tiền qua app nhưng những người này đã nghỉ việc. Từ đó, bà gửi thông báo đến công an yêu cầu can thiệp thì các đối tượng mới không gọi điện nữa.
 
Vay qua app nở rộ
Hiện rất nhiều công ty hoạt động cho vay và đăng ký giấy phép kinh doanh để hoạt động lĩnh vực này. Trên mạng facebook, chỉ cần nhấp vào đường link một ứng dụng cho vay thì ngay lập tức hàng chục ứng dụng cho vay tương tự sẽ liên tục xuất hiện trên điện thoại người dùng. Mạng lưới cho vay qua app phủ sóng rộng rãi, nở rộ như nấm sau mưa trên Youtube, Facebook, Zalo, Tik Tok… như ma trận.
 
Nhiều công ty đã lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân để hoạt động trái phép, sai mục đích kinh doanh, sử dụng chiêu trò giải ngân nhanh với lãi suất thấp, không cần gặp mặt, không biết địa chỉ nhà để đưa họ vào bẫy tài chính.
 
Bên cạnh đó, theo Công an TP HCM, nhiều đối tượng nước ngoài cấu kết với người trong nước thành lập công ty cho vay, tín dụng phi ngân hàng để cho vay qua app. Chỉ cần tải áp, nhập thông tin, tải căn cước công dân, ảnh chân dung thì chỉ trong vòng 60 phút người vay sẽ nhận tiền. 
 
Không như cam kết ban đầu, khi nhận tiền thì người vay sẽ bị trừ lãi suất cả tháng trong chính số tiền được vay. Đến hạn trả nợ, nếu không nộp đủ tiền thì bên cho vay tiếp tục giới thiệu người vay qua một app vay khác cùng mạng lưới để vay tiền trả nợ. Cứ như vậy, vòng xoáy nợ nần tiếp tục bủa vây người dùng.
 
Trước thực trạng này, Công an TP HCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an TP Thủ Đức, công an quận, huyện tổ chức thực hiện cácbiện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý nhà nước về an ninh mạng, tập trung kiểm soát, phát hiện xử lý các cá nhân, tổ chức đăng tải các thông tin liên quan đến việc quảng cáo, hướng dẫn, mời gọi, lôi kéo người vay tiền qua app.
 
Đồng thời, kiến nghị các cơ quan ban ngành có thẩm quyền ngăn chặn, gỡ bỏ các website, ứng dụng có liên quan đến hoạt động cho vay trái phép, vi phạm pháp luật trên không gian mạng có công ty, văn phòng, cá nhân hoạt động tại địa bàn TP HCM; khuyến cáo người dân khi phát hiện những app cho vay tiền với lãi suất cao, thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.
 
Công an TP HCM khuyến cáo người vay cẩn trọng khi đăng nhập vào các app vay tiền. Bởi vì, các ứng dụng cho vay khi được cài đặt vào điện thoại sẽ yêu cầu quyền truy cập vào vị trí, danh bạ, thư viện ảnh, quản lý cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại người vay (chủ yếu là các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android) với mục đích để gây áp lực đòi nợ khi người vay quá hạn thanh toán.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm