Chặn rủi ro từ nợ xấu

Thứ tư, 25 Tháng 5 2022 13:58 (GMT+7)
Theo Ủy ban Kinh tế, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết 42 chưa phát huy hiệu quả
 
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 24-5, Quốc hội (QH) nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Tổng kết Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.
 
Nợ xấu có xu hướng tăng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo tóm tắt về tổng kết Nghị quyết 42 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết Nghị quyết 42 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu.
 
Cùng với đó là góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%; từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu; thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, QH, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng.
 
Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Giữa bối cảnh dự báo nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới, Chính phủ đề xuất QH thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 đến ngày 31-12-2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, QH khóa XV; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình QH chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
 
Gắn trách nhiệm cụ thể
Trình bày báo cáo tóm tắt đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 và thẩm tra tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thí điểm xử lý nợ xấu.
 
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết 42 chưa phát huy hiệu quả.
 
Đối với nợ xấu nói chung, Ủy ban Kinh tế nhận thấy xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỉ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỉ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: bất động sản (18,4%); cho vay tiêu dùng (25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)...
 
Vì vậy, đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
 
Về sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng. Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
 
Có ý kiến đề nghị cần thuyết minh kỹ hơn về sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 vì còn có những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để; dự liệu những vấn đề có thể phát sinh khi kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm.
 
Có ý kiến cho rằng việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 cần gắn với thời hạn, trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý thay thế Nghị quyết 42, bảo đảm tính liên tục cũng như xử lý hiệu quả nợ xấu.
 
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế thấy việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong thời gian tới là hết sức cần thiết, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở kế thừa các quy định phát huy được hiệu quả của Nghị quyết 42; giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tạo được động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu của nền kinh tế và phát triển hơn nữa thị trường mua, bán nợ xấu trong tương lai.
 
Vì vậy, đề nghị Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa cùng với việc tổng kết, sửa đổi, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình QH chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
 
Chặn rủi ro từ nợ xấu - Ảnh 1.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phát biểu tại kỳ họpẢnh: NHẬT BẮC
 
Cần trưng cầu dân ý
Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
 
Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị một nguyên tắc xuyên suốt công tác lập pháp của QH đó là khi chấp thuận đưa bất kỳ một sáng kiến lập pháp nào; hay làm mới, sửa đổi, bổ sung một đạo luật, trước khi đưa vào chương trình lập pháp, đề nghị QH phải buộc tổ chức, cơ quan đề xuất có bản đối chiếu, phân tích và đánh giá 2 cực "phí tổn và lợi ích" của dự án luật đó. Theo ông Nghĩa, có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng rất bất tiện cho người dân. Có đạo luật bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa.
 
Dẫn ý từ lời dạy của Bác Hồ "Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, có hại cho dân thì hết sức tránh", ĐB Trương Trọng Nghĩa nói thêm: "Luật rừng là có hại nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn".
 
Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH xem xét các sáng kiến lập pháp và các dự án luật. Làm như vậy, công tác lập pháp của QH sẽ vất vả hơn nhưng chất lượng và hiệu quả sẽ cao hơn, nhân dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ hài lòng hơn.
 
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) kiến nghị thành phần ban soạn thảo phải mở rộng hơn, chú trọng đến các nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Quy định của pháp luật tác động đến họ thì phải để cho họ lên tiếng chứ không thể để cho những người nắm giữ công cụ được quyền sửa đổi các công cụ, còn đối tượng tác động của những công cụ đó lại không được lên tiếng.
 
ĐB Vân cũng lưu ý thêm: "Luật Trưng cầu dân ý có rồi nhưng không sử dụng đến. Đối với những đạo luật tác động đến đời sống nhân dân thì cần phải trưng cầu dân ý chứ không làm hình thức, nhỏ hẹp như vừa qua".
Chiều cùng ngày, QH nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, thảo luận tại tổ về nội dung này.
 
Về các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chính phủ trình QH quy định thí điểm 11 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của QH khác với quy định hiện hành hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật; quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị...
 
Hôm nay (25-5), QH thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021...
Nữ ĐBQH luôn bản lĩnh, trí tuệ và tài năng
Tối 24-5, dự cuộc gặp mặt và triển khai hoạt động của Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam nhiệm kỳ QH khóa XV, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong 75 năm hình thành và phát triển của QH Việt Nam, các thế hệ nữ ĐBQH luôn thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng, đóng góp vào tiến trình xây dựng đất nước và những bước tiến, đổi mới, thành công trong hoạt động của QH.
Lần đầu tiên được thành lập trong nhiệm kỳ QH khóa XII, Nhóm nữ ĐBQH đã đánh dấu sự nỗ lực và phát triển không ngừng của đại diện nữ giới trong QH. Trải qua 3 nhiệm kỳ QH, Nhóm nữ ĐBQH đã trở thành diễn đàn thực sự để các nữ đại biểu có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động ĐB, hỗ trợ cho các ĐB hoạt động tốt hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
Trong bối cảnh bộn bề công việc của QH, công việc chuyên môn và trách nhiệm với gia đình, trong điều kiện hoạt động của Nhóm nữ ĐBQH chỉ là kiêm nhiệm và không có bộ máy giúp việc chuyên trách nhưng các nữ ĐB bằng tinh thần trách nhiệm đã chung tay góp sức để hoạt động của Nhóm nữ ĐBQH ngày càng đi vào thực chất. Những hoạt động đó mang lại lợi ích, hiệu quả không chỉ cho riêng các nữ ĐBQH mà còn là những đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng cho QH và thể chế dân chủ của nước ta.
Chủ tịch QH tin tưởng các nữ ĐB khắc phục khó khăn, cố gắng trau dồi, nâng cao bản lĩnh và kỹ năng hoạt động, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp chung của đất nước.
B.T.C
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm