Tại nhiều nước, lạm phát đã lập kỷ lục trong tháng 5-2022, như Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981; khu vực đồng Euro tăng 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu…
Tại Việt Nam, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết mặc dù lạm phát nửa đầu năm 2022 được kiểm soát tốt nhưng dư địa không còn nhiều, do đó áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. "Lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát chung trong thời gian tới do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu" - ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Về một số giải pháp để kiểm soát lạm phát, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Ngoài ra, cần chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ, lãi suất và tỉ giá trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát...
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng đã thảo luận để làm rõ việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn chưa tăng, chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng lạm phát của Việt Nam là do chi phí đẩy nên vai trò của NHNN trong câu chuyện này là không lớn. "Lạm phát do chi phí đẩy khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực, do đó việc NHNN tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết" - ông Nghĩa nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh lạm phát của nước ta ở thời điểm hiện tại không xuất phát từ vấn đề tiền tệ bởi cung tiền ở mức vừa phải. Chỉ tăng lãi suất khi cung tiền cao. "Nếu như hiện tại NHNN tăng lãi suất điều hành chưa chắc phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế. Bên cạnh đó, chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất nên nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này" - ông Lực phân tích.