Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang, toàn tỉnh này có 1.907 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh. Tuy vậy trong số trên lại có tới 1.343 đơn vị nợ các loại bảo hiểm với tổng số tiền nợ hơn 151 tỷ đồng.
Trong đó có 125 đơn vị nợ từ 3-6 tháng (hơn 6 tỷ đồng); 41 đơn vị “chây ỳ”, khó đòi (gần 3,2 tỷ đồng); 277 đơn vị không còn lao động, không liên hệ, giải thể, “mất tích” (hơn 57 tỷ đồng).
Theo Bảo hiểm xã hội An Giang, xảy ra tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan như: Tình hình bất ổn của thế giới khiến hợp đồng của các doanh nghiệp bị giảm sút; giá nguyên vật liệu tăng cao; ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19… kéo theo doan nghiệp phải hoạt động cầm chừng. Từ đó dẫn tới việc làm và thu nhập của người lao động không ổn định, không có tiền đóng bảo hiểm đúng hạn.
Còn về chủ quan, ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một bộ phận chủ sử lao động, người lao động vẫn còn hạn chế. Chính vì thế, một số nơi chưa quan tâm, chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi của việc tham gia các loại hình bảo hiểm nói trên.
“Bảo hiểm xã hội chia sẻ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; đồng thời luôn tạo điều kiện hỗ trợ đơn vị thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động, luôn đồng hành cùng đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, các đơn vị phải thực hiện đúng trách nhiệm, đảm bảo trích đóng đúng, đủ vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Đối với những đơn vị cố tình vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ thực hiện xử phạt hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và gửi hồ sơ đến cơ quan Công an thực hiện xử lý những hành vi vi phạm theo Luật định”- đại diện Bảo hiểm xã hội An Giang cho biết.
Được biết, để giải quyết tình trạng trên, trước mắt, Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp tách đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động nghỉ việc, để chốt sổ bảo hiểm xã hội, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, nhằm giảm khó khăn cho người lao động khi mất việc làm.
Về lâu dài, đơn vị tăng cường đối thoại với người lao động, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng “tên tuổi” những doanh nghiệp này. Đồng thời, tăng cường thanh tra chuyên ngành, kiểm tra; phối hợp sở, ngành liên quan thanh, kiểm tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điển hình là ngày 21/12/2022 vừa qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang đã tổ chức công bố Quyết định số 597/QĐ-BHXH ngày 17/12/2022 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đột xuất các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Trong đợt thanh tra chuyên ngành đột xuất lần này, Bảo hiểm xã hội An Giang đã chọn 23 đơn vị đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 03 tháng trở lên (tại thời điểm ngày 30/11/2022, tổng số 23 đơn vị đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 1,6 tỷ đồng).
Tuy nhiên, ngay khi nhận được Quyết định thanh tra số 597/QĐ-BHXH đến thời điểm công bố Quyết định, đã có 12 đơn vị thực hiện chuyển nộp hết hoàn toàn hoặc khắc phục một phần số nợ về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền là 868,82 triệu đồng.