Góp phần “triệt” tín dụng đen

Thứ sáu, 21 Tháng 4 2023 22:13 (GMT+7)
TS NGUYỄN QUỐC HÙNG (Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)
 
Hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại, công ty tài chính thời gian qua góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của thị trường, đặc biệt là cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm cung ứng vốn cho nhóm phân khúc khách hàng dưới chuẩn - thường khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.
 
Nhu cầu vốn tiêu dùng rất cần thiết và có tiềm năng rất lớn ở thị trường Việt Nam. Không chỉ các ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng nhân dân mà 16 công ty tài chính tiêu dùng đang cho vay với dư nợ khoảng 200.000 tỉ đồng. Do đặc thù của các món vay tiêu dùng là giá trị khoản vay nhỏ, nên với dư nợ tín dụng trên đang đáp ứng nhu cầu cho nhóm đối tượng khách hàng có thể lên tới 20-30 triệu người trên cả nước.
 
Một bức tranh cho vay tiêu dùng thời gian qua là trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng 200.000 tỉ đồng của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống, khoảng 80% khách hàng trả nợ đúng hạn; 15%-20% khách hàng là đối tượng khó khăn dẫn đến khả năng thu hồi vốn chậm và một bộ phận còn lại rất khó khăn trong trả nợ đúng hạn…
 
Ở một góc khác, gần đây là hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường.
Vừa qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất tích cực, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ thuê, nhưng dường như đang có sự lẫn lộn giữa các công ty tài chính tiêu dùng chính thống được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và các công ty cho vay tiêu dùng hoạt động không chịu sự thanh tra, giám sát, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng.
 
Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Và ở chiều ngược lại, những người cố tình không trả nợ, xù nợ cũng cần lên án để tạo sự văn minh trong cho vay và trả nợ.
 
Hệ quả của việc mập mờ, không rõ ràng giữa công ty cho vay tiêu dùng chính thống và chưa chính thống này là người vay không phân biệt được, thậm chí đánh đồng đều là tín dụng đen. Nếu tình trạng này kéo dài, các công ty tài chính chính thống "co cụm" lại, không mạnh dạn cho vay vì sợ nợ xấu tăng, cho vay dễ đòi khó, còn người có nhu cầu vay sẽ phải chịu lãi suất cao hơn (để bù đắp cho nợ xấu tăng hoặc tình trạng bùng nợ) hoặc phải tìm đến tín dụng đen…
 
Khi đó, sẽ ảnh hưởng đến chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia và tín dụng đen lộng hành. Vì vậy, cần sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý bao gồm Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an trong việc thanh tra, kiểm tra, điều tra các công ty tài chính, đơn vị cho vay vi phạm… Cá nhân hoặc tổ chức cho vay nào vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe, còn đơn vị nào hoạt động cho vay và thu hồi nợ đúng quy định của pháp luật cần được tạo điều kiện, hỗ trợ với mục tiêu thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển, là cánh tay nối dài trong hạn chế tín dụng đen. 
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm