Người dân gửi tiết kiệm tại Vietcombank
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4-2023, tiền gửi dân cư tăng gần 8% so với cuối năm 2022, tương ứng gần 470.000 tỉ đồng, nâng số tiền gửi của dân cư lên hơn 6,3 triệu tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp lại giảm khoảng 300.000 tỉ đồng, xuống 5,6 triệu tỉ đồng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết tiền gửi của dân cư bắt đầu tăng mạnh từ cuối năm 2022 khi lãi suất có thời điểm lên tới 11-12%/năm, độ rủi ro gần như bằng 0; còn tiền gửi của doanh nghiệp thì có xu hướng giảm dần.
Thông thường, các doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng và vay tiền ngược lại để kinh doanh. Khi đó, chi phí vay vốn sẽ bằng chênh lệch lãi suất vay và tiền gửi, đồng thời doanh nghiệp vẫn còn khoản tiền gửi nhất định để sử dụng khi cần thiết.
Tuy nhiên, do 6 tháng cuối năm 2022, hạn mức tín dụng của ngân hàng thương mại bị thu hẹp, lãi suất tăng, nhiều doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng, phải dùng tới khoản tiền gửi để xoay vòng vốn. Điều này lý giải vì sao số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp bị sụt giảm.
Từ tháng 3-2023 đến nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi đã hạ nhiệt.
Tính tới cuối tháng 6-2023, thị trường chỉ có 2 ngân hàng thương mại có lãi suất tiết kiệm cao nhất 8%/năm. Các ngân hàng khác niêm yết lãi suất cao nhất dưới 7%/ năm.
Tuy lãi suất tiền gửi giảm, lãi suất cho vay cũng đi xuống nhưng việc mở rộng tín dụng của hệ thống ngân hàng gặp khó khăn. Điều này thể hiện khá rõ khi tại thời điểm đến ngày 27-6, dư nợ cho vay toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng 4,03% so với đầu năm 2023.