Ông Lương Văn Tr. (ngụ Long An) đã chuyển khoản nhầm 450 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng cho một người lạ tên Phạm Duy A. ở Bến Tre. Sau hơn 4 tháng, ông Tr. vẫn đang trầy trật đi đòi lại số tiền bị chuyển nhầm.
Ngày 27-7, ông Tr. cho biết vẫn chưa có thêm thông tin mới sau khi ông liên hệ đến công an huyện Đức Hòa (Long An), nơi ông mở tài khoản và làm đơn khiếu nại để xin được xử lý đòi lại tiền chuyển nhầm. Đồng thời, nếu ông Tr. khởi kiện người nhận tiền nhầm sẽ phải xuống TAND huyện Giồng Trôm (Bến Tre) nơi ông Phạm Duy A. cư trú để yêu cầu hoàn trả số tiền nhận nhầm.
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh vụ việc, một số bạn đọc cho biết đã từng chuyển tiền nhầm và trầy trật đòi lại nhưng đều không khả thi. Việc chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người khác thường xảy ra, gây ra sự phiền phức, rắc rối cho cả 2 bên.
Theo các ngân hàng, thông thường, ngân hàng mở tài khoản/ngân hàng chuyển tiền sẽ phối hợp với ngân hàng thụ hưởng để hỗ trợ kiểm tra và thu hồi tiền chuyển nhầm cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất.
Khoản tiền chuyển nhầm sẽ được hoàn cho khách hàng ngay khi người nhận chuyển nhầm tiền đồng ý hoàn lại và tài khoản của họ đủ số dư để ngân hàng thụ hưởng chuyển trả. Rắc rối sẽ phát sinh khi người nhận tiền nhầm không hợp tác, không đồng ý hoàn lại…
Giao dịch online ngày càng phổ biến, các ngân hàng khuyến cáo người dùng cẩn trọng khi chuyển khoản
Do đó, để tránh việc chuyển tiền nhầm, mất tiền oan, ngân hàng A. cho biết có những lỗi phổ biến dẫn đến việc chuyển nhầm tiền. Thứ nhất là nhập sai hoặc thiếu ký tự trong số tài khoản thụ hưởng. Thứ hai, chọn sai người thụ hưởng trong danh sách thụ hưởng đã lưu sẵn (ví dụ người thụ hưởng cùng tên nhưng khác họ). Thứ ba, chọn sai ngân hàng thụ hưởng. Thứ tư, điện thoại khách hàng sử dụng có chức năng auto-fill/auto-correct các trường dữ liệu sẽ có thể xảy ra trường hợp khách hàng nhập số A nhưng điện thoại tự đề nghị (và sửa)
thành số B nhưng khách hàng không để ý.
"Giao dịch rơi vào trạng thái chờ tra soát khiến khách hàng nghĩ giao dịch thất bại nên
khách hàng thực hiện lại giao dịch thêm một lần. Sau khi hệ thống đồng bộ lại dữ liệu thì giao dịch đầu ghi nhận hoàn thành. Như vậy, khách hàng đã thực hiện thành công và tài khoản bị trích tiền cả 2 giao dịch" - đại diện ngân hàng A. nói.
Trong khi đó, ngân hàng S. nơi ông Lương Văn Tr. thực hiện chuyển khoản nhầm, khuyến nghị khách hàng trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền cần kiểm tra kỹ thông tin của người thụ hưởng, bao gồm: Họ và Tên, Số tài khoản, số tiền, và Ngân hàng thụ hưởng. Ứng dụng của các ngân hàng thường có màn hình thể hiện đầy đủ các thông tin này để khách hàng kiểm tra và xác nhận lại một lần nữa trước khi chuyển nhằm tránh rủi ro chuyển nhầm tiền.
"Nếu chuyển nhầm cho người khác, liên hệ ngay với ngân hàng chuyển để được hướng
dẫn thủ tục yêu cầu thu hồi tiền chuyển nhầm. Khi thực hiện chuyển tiền nhanh không thành công, liên hệ ngay với ngân hàng chuyển để được xác nhận trạng thái giao dịch cuối cùng trước khi thực hiện chuyển lại" - đại diện ngân hàng S. nói.
Ngoài ra, nếu xác định có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần liên hệ ngay với ngân hàng chuyển để được hỗ trợ
phong tỏa tài khoản, khắc phục hoặc hạn chế thêm thiệt hại. Đồng thời, liên hệ các cơ quan chức năng để trình báo sự việc và xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy trình chung của các ngân hàng và quy định tổ chức thành viên Napas, trường hợp có phát sinh sự việc chuyển nhầm tiền, khách hàng cần liên hệ với ngân hàng mở tài khoản/ngân hàng chuyển tiền để yêu cầu tra soát thông tin ngay khi phát hiện giao dịch bị chuyển nhầm. Trách nhiệm của các ngân hàng này là kiểm tra và trả lời trong vòng tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu.