Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỉ đồng, giảm 7,9% với cùng kỳ năm 2022.
Ngành bảo hiểm cho dù gặp khó khăn nhưng vẫn có doanh thu lớn
Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỉ trọng 61,2% và giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỉ trọng 16,2% và giảm 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái); Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ giảm 17,6%; Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp giảm 48,9%; Các sản phẩm bảo hiểm còn lại giảm 44,9%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm ước đạt 15.508 tỉ đồng giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, dẫn đầu là Prudential với 2.741 tỉ đồng, tiếp theo là Dai-ichi Life với 2.046 tỉ đồng, Manulife với 1.976 tỉ đồng, Bảo Việt nhân thọ với 1.912 tỉ đồng và Sun Life với 1.183 tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, toàn thị trường có 13,35 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (sản phẩm chính) đang có hiệu lực, giảm khoảng 550.000 hợp đồng so với đầu năm nay. Đây là lần đầu tiên số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của toàn thị trường sụt giảm, kể từ 2014.
Về doanh thu phí bảo hiểm lũy kế, Bảo Việt nhân thọ vươn lên dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ với doanh thu và thị phần lần lượt 16.036 tỉ đồng và 20,6%, Manulife tụt xuống vị trí thứ 2 sau những lùm xùm liên quan tới sản phẩm Tâm an đầu tư (13.357 tỉ đồng và 17,2%), Prudential đứng vị trí thứ 3 (12.842 tỉ đồng và 16,5%),
Tiếp theo sau là các đơn vị: Dai-ichi Life (9.737 tỉ đồng và 12,5%), AIA (7.874 tỉ đồng và 10,1%), FWD (2.611 tỉ đồng và 3,4%), Sun Life (2.361 tỉ đồng và 3,03%), MB Ageas (2.357 tỉ đồng và 3,03% )...