Cuối phiên họp sáng 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội quyết định điều chỉnh việc thảo luận ở tổ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) từ chiều ngày 8-11 lên chiều nay 2-11, thay cho việc thảo luận tại hội trường về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Ngọc Thắng
Trước khi các đại biểu thảo luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70, cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Trường hợp người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần thì sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.".
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết có nhiều loại ý kiến khác nhau về BHXH 1 lần. Loại ý kiến thứ nhất lựa chọn phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực. Loại ý kiến thứ hai lựa chọn phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Tuy nhiên, có loại ý kiến thứ ba là chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình, vì cho rằng phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần. Còn phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%.
Đồng thời, đề nghị không nên thiết kế hai phương án để lựa chọn một phương án mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau (có các quy phạm tương ứng) để người lao động lựa chọn.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, trong bối cảnh bảo hiểm hưu trí bổ sung chưa phát triển, đề nghị nghiên cứu tách quỹ hưu trí bắt buộc thành 2 phần: Phần bắt buộc đóng ở mức sàn để bảo đảm an sinh xã hội và phần còn lại của thu nhập. Người lao động không có quyền rút phần bắt buộc nhưng được rút phần còn lại. Cả 2 hợp phần này tạo thành quỹ hưu trí và đều do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý.
Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu, tại Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.