Tại hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do báo điện tử Dân trí tổ chức sáng 17-11 ở TP HCM, một số doanh nghiệp đặt câu hỏi dù lãi suất cho vay đã giảm thời gian qua nhưng vẫn còn cao, vậy có thể giảm thêm trong thời gian tới không?
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank, khẳng định lãi suất cho vay đã thấp hơn quý trước. Tại HDBank lãi suất đã giảm khoảng 2-2,5 điểm % so với trước đây và đang có gói tín dụng cho vay chỉ từ 6,3%năm. Các ngân hàng đang phải bỏ công sức nhiều hơn để tìm doanh nghiệp tốt để cho vay, như HDBank có chương trình tốt cho khách hàng, thấp hơn cả so với lãi suất huy động.
Các chuyên gia, ngân hàng trao đổi tại hội thảo
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank, nói rằng không phải thời điểm này mà từ đầu năm ngân hàng đã tuân thủ chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và có rất nhiều lần giảm lãi suất cho vay.
Hiện sàn lãi suất cho vay ngắn hạn của Agribank đã giảm từ 1,3-4 điểm % tùy từng lĩnh vực; sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3-1,5 điểm %.
"Lãi suất cho vay của Agribank hiện tại thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm dịch COVID-19 diễn ra. Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này, không chỉ chúng tôi mà các ngân hàng thương mại đều vào cuộc đồng hành" - ông Bách nói.
Thực tế, nhiều gói tín dụng lãi suất thấp được tung ra nhưng tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng, phản ánh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp. Đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ hơn 7,1%, trong khi mục tiêu cả năm là 14-15%.
Tại TP HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, thông tin ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực khơi thông tín dụng cho nền kinh tế. Vì sao tín dụng vẫn tăng trưởng chậm? nguyên nhân chủ yếu là môi trường kinh tế thấp, hấp thụ vốn thấp. Như tại TP HCM, tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 1,36%, cho vay mua nhà để ở giảm 0,3%... phản ánh rõ thu nhập của khách hàng giảm.
Các ngân hàng liên tục đưa ra các gói tín dụng lãi suất thấp để kích thích nhu cầu vay vốn
Từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng trên địa bàn TP HCM sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, đáp ứng nhu cầu vốn thường tăng cao dịp Tết của doanh nghiệp và người dân, góp phần khơi thông dòng vốn.
Vì sao lãi suất khó giảm thêm trong thời gian tới? Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng thời điểm hiện tại đến đầu năm 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ khó khăn. Nguyên nhân không nằm ở lạm phát, mà vấn đề cơ bản là áp lực. Nếu để tỉ giá USD/VNĐ mất giá quá mạnh sẽ tác động đến điều hành chính sách vĩ mô, doanh nghiệp cũng khó khăn. Có thể phải chấp nhận mức độ mất giá nhưng không thể quá cao.
"Việc hạ lãi suất điều hành rất khó nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đang thúc giục các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Sau khi lãi suất điều hành giảm cần có độ trễ cho lãi suất của ngân hàng thương mại, bởi trước đó các ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất quá cao. Hy vọng lãi suất bên ngoài như của Mỹ sẽ giảm từ giữa năm sau giúp áp lực lên hệ thống ngân hàng giảm bớt, từ đó còn dư địa có thể giảm thêm lãi suất điều hành" - TS Võ Trí Thành nói.