Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố đến cuối tháng 9-2023 cho thấy tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 4,65% so với cuối năm ngoái, còn tiền gửi của dân cư tăng tới 9,95%.
Cụ thể, tiền gửi của dân cư tính đến cuối tháng 9 đạt 6,449 triệu tỉ đồng, tăng thêm xấp xỉ 16.000 tỉ đồng và đánh dấu tháng tăng thứ 9 liên tục từ đầu năm. Nếu tính từ đầu năm đến giờ, tiền của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng đã hơn 583.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tiền nhàn rỗi của dân cư không ngừng chảy vào hệ thống ngân hàng bất chấp lãi suất gửi tiết kiệm liên tục giảm từ nhiều tháng qua và đang ở mức thấp kỷ lục, ngang bằng với giai đoạn COVID-19.
Thống kê của Công ty chứng khoán VNDIRECT từ nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng đã giảm xuống 5,3%/năm tính đến ngày 26-10, giảm 0,3 điểm % trong tháng 10 và 2,5 điểm % so với cuối năm ngoái.
Lãi suất gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng đã về quanh 5%/năm kỳ hạn 12 tháng
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDIRECT, nhận định lãi suất tiền gửi giảm sâu do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu. Tính đến ngày 31-10, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 7,39% so với đầu năm, cách xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023. Ngoài ra, Chính phủ còn thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
"Kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ ở mức 5,2%/năm vào cuối năm 2023 và lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm nhờ chi phí huy động của các ngân hàng thương mại giảm nhanh gần đây" - ông Đinh Quang Hinh nói.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng về dưới 6%/năm
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của rất nhiều ngân hàng đã về dưới mức 6%/năm, trong đó một số ngân hàng lãi suất tiền gửi 12 tháng dưới 5,5%/năm như ACB, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VIB, VPBank, MB Bank…