Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) về cắt giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong lĩnh vực xăng dầu, VCCI đề nghị bỏ "Hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hằng năm do Bộ Công Thương phân giao" do can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong việc xác định số lượng hàng hóa mua vào.
Bỏ bớt điều kiện kinh doanh
VCCI cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi quyền nhập khẩu xăng dầu về nguyên tắc đã được mở cho bất kỳ DN nào đáp ứng các điều kiện để được cấp phép nhập khẩu xăng dầu và các DN này phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh, "lo ngại về tình trạng độc quyền gây thiếu hụt nguồn cung là không thỏa đáng" - VCCI nhận định.
Nhà nước cần sử dụng pháp luật cạnh tranh để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng theo VCCI, dù đã mở cửa thị trường xăng dầu nhưng số lượng các DN được cấp phép nhập khẩu chưa nhiều (thống kê có 27 DN, trong đó có 3 DN chỉ nhập khẩu nhiên liệu dành cho hàng không) do các điều kiện kinh doanh rất cao theo Nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu. Đây sẽ là một trong những nguy cơ thực tiễn khiến cho nguồn cung của thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn bởi các thương nhân đầu mối này. "Để giải quyết vấn đề này thì biện pháp quản lý không thể là tiếp tục áp dụng cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp như trước mà phải giảm bớt các điều kiện kinh doanh để nhiều chủ thể kinh doanh có thể tham gia vào hoạt động nhập khẩu xăng dầu; qua đó bảo đảm nguồn cung trên thị trường và sử dụng triệt để công cụ quản lý cạnh tranh (pháp luật cạnh tranh) để kiểm soát hoạt động của các DN này" - VCCI nêu giải pháp.
Doanh nghiệp nói không ảnh hưởng
Trong khi VCCI lo ngại việc Bộ Công Thương áp hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hằng năm cho từng DN sẽ tạo cơ hội cho một số DN đầu mối lũng đoạn thị trường xăng dầu thì các DN tỏ ra thờ ơ với quy định này. Theo ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), cả chục năm qua các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã thực hiện việc đăng ký lượng hàng nhập khẩu tối thiểu trong năm. Đến tháng 9 hằng năm, nếu DN nào cần điều chỉnh số lượng nhập khẩu thì làm đề nghị tăng hoặc giảm số lượng nhập khẩu trong năm đó gửi lên Bộ Công Thương. Ngoài ra, quy định điều kiện nhập khẩu xăng dầu lâu nay không khống chế mức tối đa, DN hoàn toàn chủ động quyết định lượng nhập.
Cũng theo ông Hà, việc nhập khẩu xăng dầu hiện nay khó có thể gây biến động thiếu hay thừa vì các DN đã tính toán kỹ nhu cầu khách hàng và toàn thị trường; chỉ tích trữ số lượng cần thiết để cung ứng kịp thời khi thị trường có biến động. Hiện có gần 30 đầu mối nhập khẩu xăng dầu nên nguồn cung ứng mặt hàng này khá dồi dào. Nguồn cung xăng dầu trong nước cũng đã đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. "Sắp tới một số nhà máy lọc dầu trong nước đưa vào hoạt động sẽ nâng nguồn cung trong nước lên đến 70%, tức chỉ còn nhập khoảng 30%. Do đó, kinh doanh xăng dầu sắp tới sẽ ổn định, không phải lo phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài" - ông Hà phân tích.