Thị trường phân bón ĐBSCL cạnh tranh quyết liệt

Thứ tư, 04 Tháng 7 2018 09:27 (GMT+7)
Chuẩn bị vào vụ lúa thu đông, thị trường phân bón ở ĐBSCL đang có hiện tượng tăng giá. Nhưng, chuyển động rõ nhất là sự dịch chuyển, thay đổi trên bản đồ phân phối phân bón NPK. Bên cạnh các thương hiệu từng một thời vang bóng còn có vô số nhãn hàng phân bón mới lạ cùng xuất hiện, cạnh tranh quyết liệt giành lấy thị phần.

Chuyển động thị trường

Theo dõi thị trường cung cấp nguyên liệu chế biến phân NPK, một số nhà sản xuất phân bón trong vùng ĐBSCL nhận định: Từ sau đợt cung phân bón đầu vụ hè thu 2018, thị trường tương đối bình lặng, ổn định. Tuy nhiên gần đây, khi chớm chuẩn bị vào vụ lúa thu đông, tăng mức sản xuất nguồn phân nguyên liệu chủ yếu từ nhập khẩu, như: DAP, kali có dấu hiệu tăng nhẹ lên 200-300 đồng/kg. Tuy tác động nhỏ nhưng trong bối cảnh cạnh tranh, một chiếc bánh chia cắt ra nhiều phần nên các đơn vị sản xuất sẽ không dễ gia tăng lợi nhuận như trước đây.   

Chào hàng giới thiệu phân bón sản xuất theo công nghệ mới.

Chào hàng giới thiệu phân bón sản xuất theo công nghệ mới.

Cách đây mấy tháng, phân bón đã có lúc tăng giá. Đó là do một số loại phân nhập khẩu, phụ thuộc giá từ thị trường nước ngoài. Mặt khác, ảnh hưởng từ việc áp thuế phân bón khiến giá có lúc biến động 1,6 triệu đồng/tấn. Nông dân sử dụng nhiều nhất là loại phân DAP, loại này tăng giá khoảng 1 triệu đồng/tấn, phân NPK tăng khoảng 300.000-400.000 đồng/tấn. Theo giới sản xuất kinh doanh phân tích, chủ yếu là giới buôn bán phân bón đón đợi cơ hội làm giá kinh doanh. Thương nhân có lợi nhất do họ biết trước và nhập hàng về kho trước khi thời gian áp thuế. Sau cùng bất lợi khi phân tăng giá nông dân gánh chịu.

Dẫn chứng rõ hơn, phân DAP sản xuất trong nước và nhập khẩu hiện vẫn có độ chênh lệch khoảng 2,5 triệu đồng/tấn (phân DAP 18 - 46 - 0 nhập khẩu giá khoảng 12 triệu đồng/tấn, DAP 16 - 45 - 0 sản xuất trong nước khoảng 9 triệu đồng/tấn. Có thể do tâm lý chuộng hàng ngoại khi so sánh về chất lượng. Các nhà sản xuất phân bón tính, nếu tổng tiền thiệt hại chia ra từng hộ nông dân rất nhỏ, nhưng tính trên tổng mức diện tích sản xuất lúa và cây ăn trái sử dụng phân DAP trong vùng sẽ là mức chênh lệch rất lớn.

Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng giá lúa và hàng trái cây tiêu thụ khá tốt, phân bón tăng giá ảnh hưởng đến chi phí sản xuất tăng nhưng chưa tác động làm giảm lợi nhuận. Hơn nữa, nếu so với năm trước (2017), phân DAP nhập khẩu giá 14.000-15.000 đồng/kg. Trong khi từ đầu năm đến nay phân bón Urê ổn định mức thấp và nông dân sản xuất đạt năng suất tốt vẫn có lợi. Nhất là nguồn cung dồi dào, vấn đề còn lại là làm thế nào ngăn chặn tình trạng phân bón kém chất lượng, phân giả gây thiệt hại đến mùa vụ của nông dân.

Khó cạnh tranh?

 

Theo Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, nhu cầu các loại phân NPK với các công thức khác nhau cần khoảng 2,5 triệu tấn/năm, miền Nam cần khoảng 1,3 triệu tấn/năm, riêng vụ đông xuân ở ĐBSCL cần khoảng 700.000 tấn. Hiện nay, năng lực sản xuất phân NPK trong nước sản xuất khoảng 3 triệu tấn, đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu thị trường trong nước, thậm chí có thể xuất khẩu.

Chuẩn bị vào vụ lúa thu đông 2018, đại diện bán hàng của các nhà máy, đại lý đều khẳng định nguồn cung phân bón không thiếu, giá có thể chỉ tăng nhẹ và khó xảy ra sốt giá. Tuy nhiên, giữa đa sắc màu các nhãn hàng phân bón trên thị trường phân bón hiện nay, quả thật sự chọn lựa của nông dân không hề dễ dàng. Trong đó, phân bón NPK luôn là mặt hàng sôi động nhất ở ĐBSCL, tiêu thụ mạnh nhất so các vùng khác trong cả nước. Sự cạnh tranh diễn ra có vẻ âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt.

Có một thực tế, cán bộ nông nghiệp địa phương và giới sản xuất kinh doanh phân bón biết rõ ở ĐBSCL, thị hiếu nông dân thường sử dụng phân trộn ba màu. Tuy là người sử dụng nhưng không phải có nhiều nông dân biết rõ tỷ lệ phần trăm. Bên cạnh đó vẫn còn tập quán bón phân đơn. Theo ước tính các loại phân được sử dụng như: Urê, DAP, kali chiếm khoảng 60%. Loại phân trộn ba màu từ 15-25%, còn lại là phân hỗn hợp NPK sản xuất theo công nghệ mới (viên tạo hạt bằng hơi nước - công nghệ Steam) tiêu thụ khoảng 10-15%.

Các doanh nghiệp qui mô sản xuất lớn, sản phẩm có thương hiệu tiếng tăm như “Đầu trâu” Bình Điền, “Cò bay” của Công ty cổ phần Phân bón hóa chất Cần Thơ (CFC)… từng có thời chiếm lĩnh thị phần rộng lớn ở ĐBSCL. Thế nhưng cho dù  phân bón có thương hiệu vẫn phải cạnh tranh “mệt mỏi” với các đơn vị sản xuất phân bón nhỏ lẻ. Một số nhãn hàng có thương hiệu, dù giữ uy tín đảm bảo chất lượng tốt nhưng vẫn mất dần thị phần là do điều tiết phần trăm lợi nhuận cho cấp trung gian (đại lý, cửa hàng mua bán trực tiếp với nông dân) thấp. Trong khi các công ty nhỏ lẻ chi phần lợi nhuận cho cấp trung gian nhiều hơn. Hơn nữa mối “quan hệ làm ăn” mua bán vật tư nông nghiệp nông dân nợ “gối đầu” với đại lý, cửa hàng. Đó chính là sự thiệt thòi và không có cách nào khác dù nông dân muốn lựa chọn phân bón chất lượng tốt. 

Mấy năm trước đây có thời gian việc cấp giấy phép sản xuất phân bón khá dễ dàng. Tìm cách đưa phân bón về các địa phương có diện tích vườn cây, ruộng lúa để dễ tiêu thụ, do đó nhà máy lớn nhỏ mọc lên khắp nơi dẫn tới tình trạng thừa công suất, tăng sản lượng. Nếu trước đây các doanh nghiệp trong ngành phân bón nhắm vào nhu cầu sản xuất nông nghiệp cả nước tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn/năm. Nhưng đến nay cả nước có đến 750 đơn vị lớn và nhỏ sản xuất phân bón NPK. Thậm chí có doanh nghiệp tiết lộ, hiện có một số công ty thành lập đầu tư nhiều vốn, công suất lớn nhưng chỉ hoạt động chừng 20% công suất, vì hàng bán không ra bởi thực trạng hàng trăm doanh nghiệp nhỏ “đấu” với số ít doanh nghiệp lớn.

Trước tình hình đó một số doanh nghiệp lớn buộc phải chuyển hướng thị trường và xuất khẩu. Ông Trần Ngọc Văn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Phân bón hóa chất Cần Thơ (CFC), cho rằng: Từ những năm 2005 đến 2012, nhà máy CFC đặt tại vùng ĐBSCL, sản xuất cung cấp ra thị trường miền Tây khoảng 120.000 tấn/năm. Trước đây là lợi thế, nhưng hiện thời lượng hàng phân NPK bán ra tại vùng này giảm còn 40% so với trước. Trong khi đó từ năm 2004 đến nay CFC mở thị trường Tây Nguyên và Đông Nam bộ luôn đạt mức tăng trưởng từ 5-10%, hiện vào khoảng 60.000 tấn/năm. Đồng thời từ 10 năm qua CFC đã xuất  khẩu sang các nước như: Campuchia, Malaysia… 

Nguồn: HỮU ĐỨC - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Phân bón, Hóa chất, Xăng dầu