Giá dầu làm khó ngành dầu khí

Thứ ba, 24 Tháng 3 2020 21:24 (GMT+7)
Doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí có thể sụt giảm mạnh, thua lỗ tăng cao trong năm nay khi ngành này đang bị ảnh hưởng rất mạnh từ khâu đầu đến khâu cuối trước giá dầu giảm ngoài khả năng dự báo.
 
21,37 USD/thùng là mức giá dầu thô nhẹ WTI giao tháng 5/2020 được công bố trên sàn New York Mercantile Exchanghe hôm 23/3 - mức giảm xuống thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
 
Ngoài khả năng dự báo
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này đến từ việc dư thừa nguồn cung, cũng như do cuộc chiến về giá giữa các nước sản xuất hàng đầu thế giới và tác động từ dịch Covid-19. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành dầu khí Việt Nam không khỏi lo lắng.
 
Giá dầu giảm sâu khiến các DN dầu khí càng thêm lo lắng
Giá dầu giảm sâu khiến các DN dầu khí càng thêm lo lắng
 
Nhớ lại hồi cuối năm ngoái, tại buổi gặp gỡ giới báo chí tại Tp.HCM, ông Phạm Đăng Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), có nói rằng rất khó để dự báo giá dầu vì không chỉ liên quan đến vấn đề cân đối cung cầu, mà còn chịu tác động từ yếu tố địa chính trị.
Và nếu nhìn vào tình hình giá dầu giảm sâu như hiện giờ khi mà dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ngoài khả năng dự báo, thì có thể thấy những dự tính trước đó về giá dầu của các DN trong ngành dầu khí trở nên bị hớ.
Chẳng hạn như giá dầu thô Brent trong năm 2020 từng được một “ông lớn” của ngành dầu khí trong nước dự báo sẽ vẫn có thể nằm ở mức 63 - 65 USD/thùng.Lý giải từ DN này là vì hiện tại chỉ số công nghiệp và các chỉ số về sản xuất ở Trung Quốc đang hồi phục sau thương chiến Mỹ - Trung, nhưng vẫn rất khó đoán trước điều gì có thể tác động nhiều đến mức giá dầu lên.
 
Theo ông Phạm Đăng Nam, trong năm 2020 và 2021, giá dầu FO sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những chính sách cũng như xu hướng sử dụng năng lượng trên thế giới. Dự kiến tiêu thụ của dầu HSFO hay FO sẽ bị dư nguồn cung trên thế giới.
 
Mức giảm giá của dầu FO trong năm 2020 được tính toán sẽ vào khoảng 20 - 25%, đến năm 2021 sẽ vẫn có xu hướng giảm và có thể phục hồi tăng trưởng vào sau năm 2026.
 
Còn với giá dầu ở mức cực thấp như hiện tại, doanh thu thuần và lợi nhuận của nhiều DN lớn trong ngành dầu khí có thể sẽ sụt giảm mạnh so với năm ngoái.
 
Chẳng hạn, giá kế hoạch ban đầu là 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 4,668 tỷ USD. Trong khi đó, nội chuyện giá dầu mới đây được nhận định giảm ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD.
 
Và với mức giá 30 USD/thùng đó (chưa kể đang giảm xuống mức 22 USD/thùng như hiện giờ) thì việc nộp ngân sách nhà nước cũng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách nhà nước).
 
Mặt khác, việc giảm giá dầu trên thế giới cũng đang tạo áp lực giảm giá với các DN kinh doanh xăng dầu. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường xăng dầu trong nước đang có nghịch lý, lẽ ra phải giảm giữa mùa dịch này khi giá xăng dầu thế giới trên đà giảm sâu.
 
Thua lỗ tăng cao
So sánh một cách đơn giản, khi thị trường dầu trên thế giới lên 70 USD/thùng thì giá xăng trong nước tương ứng 20.000 đồng/lít. Thế nhưng hiện nay, giá dầu thế giới giảm dưới phân nửa của giá 70 USD/thùng thì giá xăng dầu vẫn xấp xỉ gần 17.000 đồng/lít.
 
Quan sát trên thị trường ở Tp.HCM cho thấy nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu dường như đang hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm. Theo PVN, tình hình này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
 
Và nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài thì tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao. Tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, tình trạng tồn kho xăng dầu ở mức rất cao, khoảng 70-85%.
 
Còn ở Dung Quất, do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn khiến các khách hàng lùi lại lịch nhận hàng nên tồn kho tại nhà máy có xu hướng tăng nhanh. Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn gánh chịu rủi ro tồn kho chi phí cao.
 
Với nhà bán lẻ xăng dầu PV Oil, giới phân tích nhận định có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do giá dầu giảm nhanh và mạnh vì phải đối mặt với rủi ro tồn kho chi phí cao.
 
Nhìn vào tình hình giá dầu sụt giảm mạnh, PVN cho rằng Tập đoàn đang bị ảnh hưởng rất mạnh từ khâu đầu đến khâu cuối. Hoạt động khai thác dầu khí trong tình trạng giá dầu xuống thấp như hiện nay cho thấy thiệt hại về kinh tế là rõ ràng, những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp.
 
Như dự báo của SSI Research, lợi nhuận sau thuế của PV Gas có thể giảm 27,7% so năm 2019, xuống 8.620 tỷ đồng. Dự báo dựa trên giả định giá dầu nhiên liệu (FO) giảm từ 310 USD xuống 270 USD mỗi thùng và giá LPG tương ứng.
 
Riêng Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), giới phân tích lưu ý về dài hạn, giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp này khi mà các hoạt động thăm dò và khai thác chịu tác động. Trong khi đó, giá dầu là loại lên xuống thất thường và còn biến động nhanh hơn cả giá cho thuê giàn khoan.
 
Theo link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Phân bón, Hóa chất, Xăng dầu