Giá phân bón liên tục tăng cao kể từ đầu năm đến nay khiến cho người nông dân không khỏi khó khăn.
Phân bón tăng phi mã sáu tháng đầu năm
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón tăng phi mã trong sáu tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá phân DAP, urê tăng khá cao. Số liệu của World Bank cho biết, giá DAP trong tháng 4-2021 tăng 54% so với tháng 9-2020, giá phân urê tăng 62%, kali tăng 45%.
Nguyên nhân chính khiến giá phân bón tại Việt Nam tăng cao xuất phát từ việc giá nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới tăng mạnh, thậm chí có những nguyên liệu chính sản xuất phân DAP như lưu huỳnh tăng tới 60% so với thời điểm tháng 9-2020.
Đánh giá về việc giá phân bón tăng cao từ đầu năm đến nay, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn nên giá phân bón tăng mạnh từ đầu năm đến nay là do tác động từ thị trường phân bón thế giới.
"Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp buộc một số nhà máy sản xuất phân bón trên thế giới phải đóng cửa, những nhà máy còn hoạt động trong điều kiện dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế hơn. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, có những loại như amoniac, lưu huỳnh tăng tới 50 - 120% so với cùng kỳ", ông Hoàng Trung nói.
Ngoài ra, theo ông Hoàng Trung do dịch bệnh Covid-19 nên logistics cũng đứt gãy nhiều công đoạn, chi phí tăng cao, cước phí vận chuyển tăng 3 - 5 lần khiến đội giá phân bón lên. Mặt khác, cũng không loại trừ khả năng việc phân phối phân bón còn bất cập, tạo ra khan hiếm giả ở một số nơi.
Nhiều phương án hạ nhiệt thị trường phân bón
Trước tình hình giá phân bón tăng cao, ngay từ đầu tháng 4-2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Bảo vệ thực vật đánh giá lại tình hình sản xuất, giá phân phối các sản phẩm phân bón để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân.
"Chúng tôi yêu cầu các nhà máy sản xuất tối đa công suất, công khai niêm yết giá phân bón, yêu cầu doanh nghiệp trong thời gian này không xuất khẩu phân bón, các doanh nghiệp cũng cam kết chung tay, đồng hành cùng người dân không làm ảnh hưởng đến sản xuất" - ông Hoàng Trung thông tin thêm.
Theo ông Hoàng Trung, nếu so sánh giá phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước với giá phân bón nhập khẩu thì phân bón sản xuất trong nước vẫn rẻ hơn nhiều.
Thí dụ, phân DAP do doanh nghiệp trong nước sản xuất giá chỉ 9,5 - 10,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá phân bón nhập khẩu là 14,5 triệu đồng/tấn.
Ông Hoàng Trung cũng khẳng định, nguồn phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân luôn được bảo đảm, còn việc giá phân bón tăng chủ yếu là do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
Trước tình hình đó, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn người dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ mà sử dụng phân bón tiết kiệm, sử dụng theo nguyên tắc "5 đúng". Khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ để có sản phẩm an toàn, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái đất.
Được biết, hiện năng lực sản xuất phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp đang rất tốt, năm 2020 đạt 2,63 triệu tấn, nhu cầu của người dân với phân bón hữu cơ cũng ngày một tăng.
THANH TRÀ - (nhandan.vn)