Theo quyết định của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm từ 0 giờ ngày 11-7.
Giá xăng giảm từ 0 giờ ngày 11-7 - Ảnh: NLĐO
Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 3.103 đồng/lít, có giá bán không cao hơn 27.788 đồng/lít; Xăng RON95 giảm 3.088 đồng/lít, có giá 29.675 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã về dưới mức 30.000 đồng/lít sau nhiều ngày neo ở mức cao.
Tương tự, dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít, có giá bán 26.593 đồng/lít; Dầu hoả có giá bán không cao hơn 26.345 đồng/lít sau khi giảm 2.008 đồng/lít và dầu mazut giảm 2.010 đồng/kg, có giá bán 17.712 đồng/kg.
Tại kỳ này, cơ quan điều hành giá trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức 950 đồng/lít với tất cả các loại xăng và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.
Giá xăng dầu kỳ điều hành này áp dụng từ 0 giờ để trùng với thời điểm Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có hiệu lực.
Cụ thể theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg và dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít. Đây là lần thứ 2 thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được giảm. Với 2 lần giảm, Bộ Tài chính ước tính hụt thu ngân sách trên 32.500 tỉ đồng.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh xăng dầu tuy có sự điều chỉnh nhưng giá xăng RON95 vẫn neo rất cao.
Theo Phó Thủ tướng, vừa qua chúng ta đã tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường, nếu còn dư địa thì có thể đề xuất với cấp có thẩm quyền giảm thêm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh phải xử lý nhanh chính sách tài khóa này để kiểm soát vì xăng dầu tác động lớn đến CPI.