Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Có doanh nghiệp xăng dầu “thoái thác trách nhiệm”

Thứ năm, 03 Tháng 11 2022 08:35 (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết khủng hoảng năng lượng đang diễn ra gay gắt trên thế giới, Việt Nam tới thời điểm này đã đạt được những kết quả nỗ lực đáng ghi nhận
 
Ngày 2-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc nhà nước.
 
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh thời gian qua xuất hiện một số doanh nghiệp đã thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ Công Thương đã giao cho.
 
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Diên, đây là thời điểm, doanh nghiệp nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp đầu mối đều phải nỗ lực hết mình. Các doanh nghiệp sản xuất phải tiếp tục nỗ lực đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt.
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Có doanh nghiệp xăng dầu thoái thác trách nhiệm - Ảnh 1.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu
 
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ.
 
"Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, phải vươn lên để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là cơ sở để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, đại diện Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết đến hết tháng 10-2022, PVOil đã thực hiện tổng nguồn đạt khoảng 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Doanh nghiệp này cũng đang nỗ lực thực hiện pha chế xăng bổ sung thêm nguồn cung trong nước.
 
Về phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng giám đốc Tập đoàn Đào Nam Hải nhấn mạnh trong bối cảnh Chính phủ và các Bộ ngành vào cuộc quyết liệt để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Petrolimex đã nghiêm túc triển khai, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương.
 
Cụ thể, đã chủ động thực hiện các giải pháp để tìm kiếm thêm thị trường cung ứng, tạo nguồn đa dạng và điều hành linh hoạt hàng hóa về các điểm kho để tăng cường cho các thị trường trọng điểm như Hà Nội và TP HCM, khu vực phía Nam.
 
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết việc đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng đang diễn ra gay gắt trên thế giới, cả các thị trường lớn đang rất căng thẳng. Việt Nam tới thời điểm này đã đạt được những kết quả nỗ lực đáng ghi nhận.
 
Để thực hiện mục tiêu không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là để giải quyết những địa bàn đã và đang có hiện tượng đứt gãy cục bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM, Tổng công ty Thương mại XNK Thanh Lễ và Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.
 
Bộ trưởng đề nghị PVN chỉ đạo và làm việc với 2 nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục vận hành tối đa và vận hành vượt công suất để tiếp tục cung ra thị trường xăng dầu thành phẩm, đáp ứng nhu cầu của đất nước.
 
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả Nhà nước và tư nhân có điều kiện, phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu, theo kế hoạch phân giao, càng vượt định mức bao nhiêu thì càng tốt bây nhiêu. Sẵn sàng bù đắp các sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao.
 
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam luôn khẳng định chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất nhưng chúng ta phải hiểu rõ, trong 80% nguồn cung do 2 nhà máy sản xuất trong nước thì ½ trong đó vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu).
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, do Việt Nam nhập dầu thô từ nước ngoài nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. "Như vậy, tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm"- ông Nguyễn Hồng Diên cho hay.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Phân bón, Hóa chất, Xăng dầu