Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu “trục lợi” hàng ngàn tỉ đồng

Thứ sáu, 05 Tháng 1 2024 09:05 (GMT+7)
Ngày 4-1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu
 
Cơ quan thanh tra đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập, vi phạm trong quy định quyền được mua/bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối với thương nhân đầu mối khác; giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trong Thông tư số 38/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.
 
Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu "trục lợi" hàng ngàn tỉ đồng - Ảnh 1.
Tháng 3-2022, khan hiếm xăng dầu, người dân phải xếp hàng chờ đợi để mua xăng tại Hà Nội
 
Theo TTCP, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38 quy định chi tiết một số điều của nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định không cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau trái với quy định tại khoản 12 Điều 3 và Điều 15 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, vi phạm khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 3 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.
 
Từ việc làm trên của Bộ Công Thương dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ. Nghĩa vụ, trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu do Bộ Công Thương phân giao hàng năm và bình ổn thị trường khi cần thiết nhưng khi mua bán xăng dầu của nhau thì thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trở thành các thương nhân phân phối, có cơ hội để mua bán thông qua trung gian làm tăng chi phí lưu thông. TTCP phát hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phúc làm trung gian mua bán xăng dầu để hưởng chênh lệch giá số tiền là gần 2,1 tỉ đồng.
 
Cũng theo cơ quan thanh tra, khi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu với nhau; thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu với nhau, tạo ra tầng nấc trung gian để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá, tăng chi phí lưu thông, dẫn đến một phần tiền chiết khấu, chênh lệch giá thuộc về các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
 
Trong 5 năm (2017 - 2022), một số thương nhân đầu mối mua bán xăng dầu hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá khoảng hơn 9.770 tỉ đồng. Từ đó, chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ... bị giảm, thậm chí không còn tiền chiết khấu như thời gian qua.
 
"Đây là một trong những nguyên nhân đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán, gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế"- TTCP kết luận và cho biết dẫn đến gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xăng dầu trong nước.
 
TTCP cũng đã chỉ ra một số vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, như việc sản xuất, nhập khẩu xăng dầu. Hiện nay, nguồn xăng dầu trong nước chủ yếu do 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn cung cấp, với sản lượng năm 2021 là 14,31 triệu tấn xăng dầu, đáp ứng 63,3% thị trường tiêu thụ trong nước (năm 2021).
 
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn nhận Ủy quyền từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bao tiêu sản phẩm) hiện tại bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo phương thức đàm phán và phân loại khách hàng chưa theo phương thức đấu giá cạnh tranh.
 
 
Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã phê duyệt chính sách bán sản phẩm, theo hình thức đàm phán và/hoặc đấu giá. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn chưa thực hiện việc đấu giá bán sản phẩm xăng dầu. Việc mua bán xăng dầu như trên là chưa khách quan, chưa đảm bảo cạnh tranh công khai, minh bạch.
 
Doanh nghiệp xăng dầu vi phạm, Bộ Công Thương không phát hiện
Quá trình thanh tra, TTCP cũng chỉ rõ Bộ Công Thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý.
 
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch kinh doanh riêng của từng đơn vị nên khi nhập khẩu xăng dầu về bán bị lỗ hoặc khó khăn, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã dừng không nhập khẩu xăng dầu.
 
Cụ thể, Công ty TNHH Petro Bình Minh, từ năm 2018 đến hết năm 2021 và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hòa Khánh, từ năm 2019 đến hết năm 2021 đều không thực hiện nhập khẩu, đến cuối năm các đơn vị chưa nhập khẩu xăng dầu đủ hạn mức tối thiểu báo cáo Bộ Công Thương xin điều chỉnh.
 
Mặc dù, các văn bản của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không nêu rõ lý do hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định, nhưng đều được Bộ Công Thương chấp thuận. Các thương nhân đầu mối có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công Thương, dẫn đến một số thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối còn lại, do đó nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết.
 
Năm 2022, Bộ Công Thương chỉ giao cho 10/32 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu trong Quý II/2022 với tổng sản lượng là 2.400.000 m3 xăng dầu tại Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24-2-2022, nhưng có 9/10 thương nhân đầu mối nhập thiếu 589.035 m3 xăng; 6/10 nhập thiếu 628.637 tấn dầu.
 
Qua đó cho thấy trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
 
Từ ngày 1-1-2017 đến ngày 31-12-2021, có 27 thương nhân đầu mối với 48 lượt đơn vị nhập khẩu xăng dầu không đạt hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương đã kiểm tra và xử lý 6 đơn vị, còn 26 thương nhân đầu mối với 42 lượt vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Phân bón, Hóa chất, Xăng dầu