Bắc Hà nồng nàn men rượu Hồng Mi

Thứ năm, 10 Tháng 10 2019 11:16 (GMT+7)
Nói đến ẩm thực Bắc Hà (Lào Cai), có lẽ một trong những nét đặc sắc làm người ta luôn nhớ đến đó là rượu ngô. Rượu ngô Bắc Hà nổi tiếng nhất là rượu ngô nấu tại xã Bản Phố nằm ở vị trí cao nhất của Bắc Hà, nơi chủ yếu là người Mông và người Dao sinh sống.

Ở xã Bản Phố, hầu hết các gia đình đều nấu rượu ngô, trong đó, loại rượu ngô nấu từ men hạt Hồng Mi hay còn gọi là rượu Hồng Mi là một loại rượu trứ danh được khách thập phương rất ưa chuộng.

Hạt Hồng Mi dùng để làm men Hồng Mi

Hạt Hồng Mi dùng để làm men Hồng Mi

Để ra được thành phẩm rượu Hồng Mi đòi hỏi không ít công phu của người nấu rượu, trong đó men Hồng Mi là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất quyết định độ ngon của rượu. Hồng Mi là loại cây được người bản địa trồng xen canh với mận tam hoa hoặc trồng ven bờ nương, bờ ruộng. Sự tinh túy của rượu Hồng Mi chính là ở sự hòa quyện giữa mùi hương của hạt Hồng Mi và hương vị đậm đà của ngô bản địa. Công đoạn làm men Hồng Mi và cách ủ men cũng không đơn giản. Ngoài yêu cầu phải chuẩn bị máy xay tốt, người nấu còn phải pha chế thành phần men kết hợp các loại nguyên liệu để ủ men sao cho hợp lý. Chất lượng men phụ thuộc vào độ khéo léo trong công thức pha chế, phân chia định lượng của người nấu.

Thành phẩm men Hồng Mi

Thành phẩm men Hồng Mi

Nguyên liệu chính để nấu rượu Hồng Mi là hạt ngô. Ngô Bắc Hà có ưu điểm hạt to, chắc, mùi thơm đậm. Hiện nay, do sự phát triển của du lịch, người dân địa phương ngoài dùng giống ngô bản địa, còn dùng thêm cả giống ngô lai để nấu rượu. Ngô lai hạt không chắc như ngô bản địa, tuy nhiên nấu rượu bằng ngô lai có thêm ưu điểm là tiết kiệm củi.

Trước khi tiến hành quy trình chưng cất rượu Hồng Mi, người nấu rượu lấy ngô và tách hạt, loại bỏ những hạt ngô kém chất lượng, sau đó cho ngô vào luộc trong khoảng 20 - 24 tiếng đến khi hạt ngô bắt đầu bung nở đều thì vớt ra rồi được phơi trên các nong, nia hoặc tấm bạt cho tỏa nhiệt trong khoảng một ngày. Khi ngô chỉ còn ấm thì người nấu bắt đầu công đoạn trộn men Hồng Mi. Men được trộn đều vào ngô, sau đó rải bạt vun thành đống cho nóng lên. Nếu thời tiết nóng thì khoảng một ngày sau ngô lên men hơi chua, người ta cho vào chum ủ từ 1 - 2 tuần mới tiến hành nấu rượu. Thường khoảng 60kg ngô sẽ cho ra khoảng 20 - 25 lít rượu thành phẩm.

Quá trình chưng cất để cho ra những giọt rượu đầu tiên khá vất vả. Người nấu phải liên tục ngồi ở bếp để điều chỉnh lửa, tiếp thêm nước vào chõ. Nồi nấu rượu được làm bằng gỗ tốt và phải nấu bằng than củi. Rượu ra nước đầu thường vào khoảng 70 - 80 độ nên rất nặng, có thể dùng để nướng mực. Sau khi hoàn thành chưng cất, người nấu rượu sẽ pha đều để rượu còn khoảng 40 độ.

Ông Giàng A Trai, người dân tộc Mông, thợ nấu rượu Hồng Mi lâu đời tại Dinh thự Hoàng A Tưởng

Ông Giàng A Trai, người dân tộc Mông, thợ nấu rượu Hồng Mi lâu đời tại Dinh thự Hoàng A Tưởng

Để có được những giọt rượu tinh túy đó là bao công sức và tâm huyết của người nấu rượu. Rượu Hồng Mi không những không gây nóng mà còn có mùi thơm ngon, êm dịu. Với hương vị đặc biệt và sự chưng cất cầu kỳ, rượu Hồng Mi xứng đáng là một trong những đặc sản của Bắc Hà mà du khách thập phương không nên bỏ qua khi đến với vùng đất này.

Với du khách từ phương xa đến, được thưởng thức những sản vật bình dị nơi miền sơn cước, cùng bạn bè trò chuyện bên điệu khèn du dương của những chàng trai phố núi, ngắm nhìn những điệu nhảy xòe của sơn nữ bên ánh lửa bập bùng, nhấp hớp rượu Hồng Mi ấm nồng trong làn sương bảng lảng và cái se se lạnh của núi rừng, thật là những trải nghiệm thú vị biết bao!

Mỗi lần đến với Bắc Hà, du khách sẽ thật khó quên với mùi hương nhẹ nhàng nhưng say nồng của rượu ngô, vị dẻo thơm của xôi bảy màu, vị ngầy ngậy của bánh chưng đen hay vị thanh thanh của phở chua, bánh đúc ngô... Cùng với đó là vô số các loại rau rừng hay những loại quả đặc trưng như táo đá, mận Bắc Hà... Tất cả đã tạo nên nét đặc sắc cuốn hút cho miền cao nguyên trắng này. 

 
Lam Sương - (vtr.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Rượu - Bia - Nước giải khát