Theo cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), năm nay là năm đầu tiên trường triển khai chương trình mời phụ huynh đến học cùng con. Riêng với phụ huynh lớp 1, ban giám hiệu tổ chức rất kỹ để hướng dẫn phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường giáo dục trẻ. Theo cô Thúy, các trường tiểu học đều đã bắt đầu chương trình năm học mới được một tuần, thực hiện theo đúng hướng dẫn chuyên môn của sở. Không sử dụng bộ sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục.
Học sinh lớp 1 tại TP HCM. Ảnh Tấn Thạnh
Thực tế, đây không phải là năm đầu tiên, bộ SGK tiếng Việt công nghệ giáo dục do NXB Giáo dục VN phát hành gây tranh cãi. Bắt đầu từ năm 1986, GS Hồ Ngọc Đại, đồng thời là cha đẻ của hệ thống trường thực nghiệm nổi tiếng tại Hà Nội đã khởi xướng bộ sách này. Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT có quyết định cho phép cuốn Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1 của ông được áp dụng đại trà.
Điều khiến phụ huynh băn khoăn về bộ sách này, đó là ngoài cách đánh vần lạ lùng, nhiều nội dung trong sách còn được biên soạn rất khó hiểu, thiếu phù hợp, không có tính đại trà. Nhiều chuẩn mực bị phá vỡ nhất là khi được dạy cho học sinh ở độ tuổi tiểu học, độ tuổi còn quá non trẻ để tiếp thu những thông tin rối ren.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho rằng, nguyên tắc cơ bản của SGK phải là tính phổ thông, dễ hiểu, không phân biệt vùng miền. Tuy nhiên, nhìn vào bộ sách, có vẻ như những người biên soạn chỉ soạn sách cho một địa phương nào đó. Chẳng hạn, trong bài học về vần "oe", trong sách công nghệ minh họa bằng hình ảnh và hai từ "gà qué" và "ngóe". Nhiều phụ huynh kêu trời vì không hiểu con "gà qué" và "con ngóe" là con gì. "Điều này đi ngược với quy chuẩn về ngôn ngữ và tính đại trà trong giáo dục"- vị này nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, tại TP HCM không triển khai bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục.