Ngăn chặn bạo lực chốn học đường

Thứ tư, 22 Tháng 5 2019 09:12 (GMT+7)
Bài 1: Bạo lực từ cấp… mầm non và tiểu học!? Thầy cô đánh học trò. Học trò đánh hội đồng bạn. Nhà giáo đánh nhau trong trường học. Phụ huynh đến trường làm nhục, đánh đập thầy cô giáo… Tất cả đã vẽ lên bức tranh mang tên “bạo lực học đường” với gam màu tối về đạo đức, lối sống, cách hành xử “thiếu văn hóa” giữa người với người trong giai đoạn hiện nay.

Học sinh lớp 2, Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu) trong giờ học (ảnh minh họa).

Con tôi là… "đầu gấu"!

Câu chuyện bạo lực học đường thời gian gần đây đã trở thành chủ đề nóng không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà còn là của toàn xã hội khi nhan nhản trên mặt báo, gần như ngày nào cũng có đăng tin, bài, ảnh, video… về những vụ đánh hội đồng, lột quần áo bạn (như người lớn đánh ghen).

Khi vấn đề bạo lực chốn học đường đã trở thành vấn nạn như hiện nay, nhiều người cho rằng, do học sinh bị ảnh hưởng của game bạo lực. Nhưng thật ra, đó cũng chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính là thầy, cô đã dạy những gì cho học sinh để các em trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt trong thời gian ở nhà trường.

Câu chuyện của một phụ huynh có con học cấp mầm non khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về “phương pháp giáo dục” hiện nay của một số giáo viên. Số là một phụ huynh sáng đưa con đến trường như thường lệ. Nhưng đứa con khi lên xe lại cứ khóc, đòi nhảy xuống xe, không chịu đến lớp. Thấy lạ, vị phụ huynh mới dò hỏi thì được biết lý do con không dám đến lớp là “sợ bị bạn T. đánh”. Đầu đuôi câu chuyện được bé thuật lại như sau: Trong lớp cô giáo giao trách nhiệm cho bạn T. là trong giờ học, giờ ngủ, giờ ăn…, bạn nào nói chuyện, đùa giỡn sẽ bị bạn T. tát vào miệng. Và, với “trọng trách” được cô giao ấy, bạn T. đã tát vào miệng rất nhiều bạn, đến nỗi có bạn không dám đi học vì sợ bị đánh.

Bán tín bán nghi trước lời con trẻ, phụ huynh kia đưa con đến lớp và thuật lại chuyện với cô giáo. Thay vì giải thích, cô giáo tạt ngang: “Vậy hả, có nói chuyện trong lớp không mà bị đánh?”. Bức xúc trước thái độ vô cảm của người “mẹ hiền” kia, vị phụ huynh tìm đến hiệu trưởng nhà trường để trình bày sự việc và được hiệu trưởng hứa là sẽ “làm việc” lại với giáo viên về thái độ và cách giáo dục trên. Không biết hiệu trưởng nhà trường “xử lý” như thế nào, nhưng mỗi sáng khi trẻ vào lớp, khoanh tay “thưa cô con mới lại” và chiều “thưa cô con về”… đều nhận được sự dửng dưng và một gương mặt “lạnh tanh” của giáo viên kia.

Khi mang câu chuyện bạn T. đánh bạn nói cho cô con gái của tôi (học lớp Lá ở ngôi trường đó nhưng khác lớp với T.) thì câu trả lời của con khiến tôi “rụng rời”: “Cô cũng bắt con xem bạn nào nói chuyện, quậy trong giờ xem tivi thì lôi lên cho cô đánh”. Tôi vội hỏi: “Con có đánh bạn nào không”, con bé hồn nhiên trả lời: “Mấy bạn bự bự không à, con không dám đánh, chỉ nắm tay lôi lên cho cô đánh vô miệng”… Vậy là, ngay ở cấp học mầm non, con tôi cũng được giáo viên huấn luyện để làm “đầu gấu”!?

Mục đích của giáo dục, nhất là trẻ ở độ tuổi mầm non là dạy những điều hay lẽ phải: ở trường biết lễ phép với cô giáo, quý trọng bạn bè, về nhà lễ phép với ông bà, cha mẹ, mọi người xung quanh… Vậy mà lại xuất hiện cách giáo dục trẻ bạo hành ngay tại một trường mầm non ở TP. Bạc Liêu. Sự việc “tưởng như đùa” ấy lại có thật 100%.

Phụ huynh đưa con đến Công an phường 8 (TP. Bạc Liêu) nhờ can thiệp vì bị bạn đánh nhiều lần do không đưa đủ tiền. Ảnh: C.K

Tống tiền bạn từ năm lớp… 2

Buổi sáng, nếu không đi công tác thì tôi thường cà kê ở quán cà phê M.N (phường 1, TP. Bạc Liêu). Câu chuyện của những phụ huynh rảnh rỗi bàn chuyện thiên hạ lần hồi rồi cũng đến những vụ bạo lực, học sinh đánh nhau… Anh chủ quán vọt miệng: “Trời ơi, hôm rồi tôi tức điên người. Con tôi nè, bị bạn đánh nếu không đưa tiền, đưa kẹo”. Tôi há hốc mồm vì không tin, con bé mới học lớp 2 mà lại học ngay ngôi trường tiểu học danh tiếng bậc nhất của tỉnh!?

Giống như nhắc đến “nỗi đau”, anh chủ quán vẫn còn chưa hết tức giận khi nhắc lại câu chuyện: hôm nào đưa con đi học, con bé cũng đòi cha mua kẹo. Lạ ở chỗ là phải mua đúng loại kẹo đó (kẹo mút), đúng ngay chỗ bán đó con bé mới chịu. Còn không thì khóc lóc thảm thiết, không chịu đi học. Nhiều lần như thế anh thấy lạ, mới tìm cách dỗ dành, dò hỏi. Ban đầu anh sợ loại kẹo đó có “vấn đề” vì trên mạng có thông tin xuất hiện “kẹo pha ma túy” bán trước cổng trường… Dỗ dành mãi con bé mới chịu “khai” là mỗi ngày đi học phải đưa kẹo cho bạn nữ lớp trưởng. Bạn nào không có kẹo thì phải đưa tiền, nếu không thì bị nữ lớp trưởng đánh. Vị phụ huynh kia đến trường thông tin sự việc với hiệu trưởng. Nhà trường tổ chức mời phụ huynh của nữ lớp trưởng lên trường thì chính cha mẹ cũng bất ngờ với hành động của con mình. Không thể giải thích được vì sao bé lại làm như thế, trong khi nhà cũng thuộc dạng có “điều kiện”.

Câu chuyện tưởng như là nhỏ, có người bảo chuyện “trẻ con” với nhau. Tuy nhiên, khi nhìn ở góc độ xã hội hiện nay, khi trẻ con tiếp xúc với điện thoại thông minh, máy vi tính… quá sớm mà không có sự định hướng, can thiệp kịp thời của gia đình thì các bé rất dễ bị tiêm nhiễm những “thói hư tật xấu” trên mạng Internet.

Chuyện “tống tiền” bạn cũng diễn ra thường xuyên ở các trường học, thường là ở các cấp học như THCS hoặc THPT, nhưng ở cấp tiểu học thì lần đầu tôi mới nghe. Tôi còn nhớ có lần đưa tin về vụ học sinh một trường THCS đánh nhau, khi nhà trường mời phụ huynh hai bên lên làm việc thì mới “lòi” ra nguyên nhân học sinh bị đánh vì… không đưa đủ tiền cho “đại ca”. Sự việc phải đưa đến Công an phường 8 (TP. Bạc Liêu) giải quyết vì “đại ca” hăm dọa “gặp đâu đánh đó”…

Đau lòng hơn là những sự việc như trên thường không được xử lý đến nơi đến chốn, nên căn bệnh “bạo lực” về thể xác, tinh thần vẫn còn âm ỉ mãi chốn học đường…

Cụm từ “bạo lực học đường” hiện nay là một trong số những cụm từ “nóng” với 18.200 kết quả chỉ trong 0,37 giây khi tìm kiếm trên Google. Vấn đề bạo lực học đường giờ đây không còn là hồi chuông báo động hay chuyện riêng của chốn học đường, mà đã trở thành vấn nạn xã hội. Chúng ta cần hành động ngay để ngăn chặn.

Châu Khanh (báo Bạc Liêu)
T/h: Viễn Linh (dongbang)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III