Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Vị Thanh phấn khởi khi hoàn thành ngày thi đầu tiên. Ảnh: Cao Oanh
Ôn “sông Đà”, đề cho “sông Hương”
Em Đỗ Thanh Danh, lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ, em tự đánh giá mình làm được khoảng 6 điểm, vì ôn trọng tâm bài sông Đà (Người lái đò sông Đà), chứ không phải ôn bài sông Hương (Ai đã đặt tên cho dòng sông?). Cũng giống như Danh, nhiều học sinh khác cũng “tủ”, ôn trọng tâm hai tác phẩm trong chương trình ngữ văn lớp 12 là Vợ chồng A Phủ và Người lái đò sông Đà, chứ không ôn nhiều phần nội dung của bài Ai đã đặt tên cho dòng sông? Em Tăng Anh Thư, học sinh lớp 12C2, Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ, mặc dù học khá môn ngữ văn ở trường, nhưng đề thi tự luận không trúng trọng tâm ôn, bản thân cũng có phần chủ quan sẽ không vào tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, nên em đoán mình chỉ được khoảng 5 điểm.
Tuy nhiên, đa phần thí sinh cho rằng đề năm nay dù có trúng tủ hay không vẫn khá dễ thở hơn đề năm trước, thậm chí dễ hơn đề minh họa thi trước đó. Đề thi ngữ văn cả phần đọc hiểu và làm văn, tuy không đánh đố, hỏi rõ ràng, nhưng muốn các thí sinh cần có cái nhìn sâu sắc về con người, có sự liên tưởng và cảm nhận bao quát về cuộc sống. Là một trong những thí sinh ra phòng thi đầu tiên, em Trần Nhật Quang, thí sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, nói: “Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa. Với đề ngữ văn này, em nghĩ mình cũng được hơn 6 điểm. Đề thi có phần đọc hiểu có hơi khó một chút, nhưng phần làm văn rất hay, không đánh đố học sinh, phần thi này có trong chương trình ôn tập của chúng em”. Cũng khá phấn khởi với bài thi của mình, em Trương Anh Nguyễn, học sinh Trường THPT Long Mỹ, chia sẻ: “Em thấy đề thi năm nay không khó, câu hỏi thuộc dạng nghị luận xã hội rất thực tế gần gũi với đời sống. Riêng các câu còn lại, nếu có chuẩn bị kỹ sẽ rất dễ lấy được trọn điểm. Với bài thi của mình em nghĩ bản thân có thể đạt điểm trên trung bình”.
Nói về đề, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Đề thi đáp ứng tốt 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng. Với kết cấu đề này tôi nghĩ điểm trung bình năm nay sẽ cao hơn năm rồi. Nhất là phần làm văn, phần này học sinh sẽ rất dễ gỡ điểm vì chỉ cho phân tích một tác phẩm, mọi năm phần làm văn luôn có sự so sánh, phức hợp 2 tác phẩm văn học để làm sáng rõ đề bài”. Chung nhận xét với cô Huyền, cô Ngô Thị Thúy Kiều, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Nguyễn Minh Quang, cho rằng, đề thi lần này vẫn bám sát cấu trúc đề thi minh họa trước đó và có phần dễ thở hơn. Những lớp cô dạy, đa phần các em cũng ôn trọng tâm và dù không ôn sâu tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, học sinh vẫn có thể trình bày hay cảm nhận của bản thân về dòng sông Hương trong câu hỏi tự luận 5 điểm, vì đề trình bày rất rõ ràng.
Mặc dù ban đầu các thí sinh đều mang tâm lý hồi hộp chờ đến giờ thi, nhưng khi nhận được sự quan tâm, khích lệ từ gia đình đã tiếp thêm động lực. Hoàn thành xong môn đầu tiên với kết quả khả quan, các thí sinh nhẹ nhõm khi trút bớt một phần gánh nặng. Tạo cho thí sinh sự tự tin và tâm lý thoải mái hơn để làm tốt bài thi môn toán vào buổi chiều. Đưa đón cô con gái duy nhất Phạm Ngọc Phương Vy đi thi, anh Phạm Thanh Tâm, ở ấp Long Hòa 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ, con anh học Trường THPT Cái Tắc và thi tại điểm này. Dù đường đi, điểm thi quen thuộc với con, nhưng anh chọn đưa đón cho an tâm. Rồi thấy con ra khỏi cổng cười tươi, anh nói như vậy là ổn rồi…
Đề toán dễ thở, dễ kiếm điểm trên trung bình
Với đề thi môn toán, trong 90 phút trắc nghiệm, đa phần các thí sinh ở các điểm thi trên địa bàn tỉnh đều cảm thấy dễ thở khi đề toán có phần dễ hơn đề thi minh họa được công bố trước đó.
Em Nguyễn Phương Ngọc, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành, chia sẻ, em tự tin làm đúng hơn 70% đề toán lần này. Thấy rất mừng. Còn em Cao Tấn Phát, học sinh Trường THPT Long Mỹ, nói: “Đề thi toán lần này, theo em dễ hơn đề thi thử vừa rồi. Tuy nhiên, có nhiều câu bắt buộc phải tính toán, nên có một số câu đến cuối giờ em phải đánh đại. Với môn thi này, em có thể kiếm được số điểm trên trung bình”.
Đa phần những em học lực trung bình môn toán đều tự tin thi đạt điểm không quá thấp, không lo sợ bị điểm liệt như trước khi bước vào thi. Em Phan Nhựt Khoa, học sinh Trường THPT Hòa An, huyện Phụng Hiệp, nói: “Làm xong môn toán em mừng lắm bởi cầm chắc trên 5 điểm. Đề thi năm nay tương đối dễ, cấu trúc tương đồng so với đề thi thử, bám sát chương trình học. Hoàn tất hai môn thi đầu tiên bản thân em cảm thấy phấn khởi và nhẹ nhàng”.
Phụ huynh học sinh cũng mừng khi biết con làm bài thi tốt. Ảnh: Cao Oanh
Các thí sinh cho biết, nếu ôn kỹ chương trình tại trường đều có thể làm tốt. Em Bùi Vũ Khang, học sinh Trường THPT Châu Thành A, chia sẻ, môn toán làm khá hơn môn văn, những câu thầy cô ôn trọng tâm trước khi thi đều đã định hướng nên làm dễ dàng được 7-8 điểm với đề thi này.
Theo đánh giá của giáo viên và thí sinh dự thi thì kỳ thi năm nay vừa sức với thí sinh. Thầy Nguyễn Đức Bằng, giáo viên dạy môn toán của Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi thấy mừng vì đề thi không quá khó so với tưởng tượng. Với đề thi này, 35 câu đầu nếu học sinh chịu khó học tập, ôn bài chắc sẽ dễ lấy điểm, 15 câu sau có độ phân hóa cao dùng để học sinh lấy điểm xét tuyển đại học. Với đề này, học sinh không khó kiếm điểm 5. Đề thi đáp ứng được 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng”.
Như vậy, thí sinh đã đi hơn 1/3 chặng đường của kỳ thi quan trọng, còn gần 2 ngày thi nữa, với khởi đầu thuận lợi, hy vọng những ngày sau sẽ đem lại kết quả tốt hơn.
Buổi sáng vắng 25 thí sinh, buổi chiều vắng 31 thí sinh Kết thúc môn thi ngữ văn vào sáng 25-6, toàn tỉnh có vắng 25 thí sinh. Trong đó, vắng 1 thí sinh hệ THPT, 24 trường hợp vắng còn lại là thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do. Ở môn ngữ văn, có tổng số 5.598 thí sinh dự thi tại 19 điểm thi trên toàn tỉnh. Tham gia môn thi toán, có 5.734 thí sinh đăng ký dự thi, tại 19 điểm thi vắng 31 thí sinh (trong đó vắng 9 thí sinh hệ THPT, 22 trường hợp vắng còn lại là thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do. Tại các điểm thi, lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên coi thi, phục vụ thi đều phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc với công việc. Cán bộ tại các điểm thi liên tục nhắc nhở các thí sinh không được mang điện thoại di động và các thiết bị điện tử bị cấm theo quy định. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông cũng được bố trí phù hợp, đảm bảo an ninh tốt tại 19 điểm thi trên toàn tỉnh. Hoạt động tiếp sức mùa thi được triển khai đã hỗ trợ cho nhiều thí sinh cơm miễn phí, nước uống, viết, nón… Đã giúp thí sinh an tâm hoàn thành tốt ngày thi đầu tiên. - Hôm nay (26-6), các thí sinh sẽ tiếp tục ngày thi thứ hai. Buổi sáng thí sinh làm bài thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học, mỗi bài thi 50 phút), chiều sẽ thi ngoại ngữ, thời gian 60 phút, các bài thi đều thi trắc nghiệm.
Điểm thi Trường THPT Ngã Sáu, THPT Phú Hữu (huyện Châu Thành) bị mất điện hơn 1 tiếng đồng hồ Theo thông tin ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Ngã Sáu và THPT Phú Hữu (huyện Châu Thành), trong khoảng thời gian từ 14h20 phút đến 15h48 phút, các điểm thi này bị mất điện, ít nhiều gây ảnh hưởng đến điều kiện làm bài của các em, vì phòng thi tối do ở huyện Châu Thành trời mưa. Tại điểm thi Trường THPT Ngã Sáu, máy phát điện không đủ công suất tải phát cho 11 phòng thi, chỉ đủ điện cho phòng giáo viên. Còn tại điểm thi Trường THPT Phú Hữu, máy phát cũng không thể tải điện hết các phòng thi. Trưởng các điểm thi cho biết, ngay khi sự cố xảy ra đã có báo cáo với Ban Chỉ đạo thi của tỉnh, địa phương, điện lực để khắc phục, đến kiểm tra tình hình các phòng thi, sau khi thi có thăm hỏi các em thí sinh… |