Lại một mùa hè “đói giải trí” của thiếu nhi

Thứ hai, 01 Tháng 7 2019 17:03 (GMT+7)

Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện TP Cần Thơ dịp hè.

Hè về, cho con đi chơi ở đâu, xem chương trình nào hay, bộ phim nào phù hợp… luôn là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh đặt ra. Nhu cầu có thật song cứ hè về là thiếu nhi lại “đói giải trí”.

Thông tin kênh VTV2 sẽ phát sóng bộ phim kinh điển “Tây du ký” vào lúc 19 giờ các ngày trong tuần, bắt đầu từ 8-7, khiến nhiều người cười thầm. Bộ phim mà tuổi thơ cha mẹ đã xem và nay đến lượt các con mình xem. Cư dân mạng hài hước bằng những câu nói khá buồn cười: “Hè nào cũng đi thỉnh kinh với Đường Tăng” hay “Đường Tăng hết thỉnh kinh ở VTV, rồi HTV, rồi đài truyền hình các địa phương. Đi từ hè này sang hè khác mà chưa xong”. Dí dỏm nhưng lại phản ánh sự thiếu thốn nghiêm trọng phim cho thiếu nhi, nhất là dịp hè. Cứ hè về, lại “Tây du ký” rồi “Kính vạn hoa”, “Mùa hè sôi động”… xem đến thuộc lòng mà vẫn phải xem vì không có sự lựa chọn.

Ở lĩnh vực chương trình truyền hình, một thời mùa hè của thiếu nhi sẽ tràn ngập trong các cuộc thi như “Đồ Rê Mí”, “Thử tài siêu nhí”, “Tiếu lâm tứ trụ nhí”, “Ai sẽ thành sao nhí”… Nhưng năm nay, lĩnh vực này hầu như vắng lặng trên sóng các đài truyền hình. Điều này có thể lý giải bởi để huấn luyện một em thiếu nhi ca hát, diễn xuất, nói chuyện lưu loát trên truyền hình không phải là chuyện dễ, tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc. Việc tuyển chọn thí sinh dự thi cũng ngày càng khó vì nhiều phụ huynh dần dè chừng với truyền hình thực tế. Vả lại, các chương trình truyền hình thiếu nhi ngày càng ít được quan tâm nên lợi nhuận cũng giảm sút.

Với thiếu nhi, phim truyện cổ tích là có sức hút nhiều nhất nhưng dường như các đài truyền hình chưa mặn mòi đầu tư. Hiện nay, chỉ có Đài PT-TH Vĩnh Long có khung giờ cố định vào tối Chủ nhật hằng tuần với bộ phim đang chiếu là “Cậu bé nước Nam” và HTV với khung giờ trưa Chủ nhật với chương trình “Rồng rắn lên mây”. Vậy nhưng, xem những tập phim này mới thấy, nhà sản xuất đầu tư rất dè sẻn cả về diễn viên lẫn cảnh trí, đạo cụ. Kịch bản thì nhiều chỗ còn vụng về. Tuy nhiên, dù sao thì đây cũng là 2 điểm sáng, thu hút được đông đảo khán giả thiếu nhi đón xem.

Có lẽ vì “đói giải trí” mà các nhà sách, thư viện thu hút khá đông độc giả nhí. Như ở Thư viện TP Cần Thơ, hiện nay phòng đọc thiếu nhi ngày nào cũng đông kín. Bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện thành phố, cho biết: Hè này, số độc giả thiếu nhi tăng cao, cả đến Thư viện đọc sách lẫn mượn sách về. Để có thẻ thư viện, mỗi em chỉ trả phí 10.000 đồng, theo bà Giang là chỉ vừa đủ tiền phôi thẻ, vậy nhưng Thư viện không tăng giá, hỗ trợ tối đa để thu hút thiếu nhi. Đặc biệt, đầu tháng 7 này, Thư viện TP Cần Thơ sẽ mở thêm phòng đọc sách tại Nhà văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều, để phục vụ nhu cầu đọc của các em.

Từ việc thiếu những chương trình giải trí bổ ích, nhiều em thiếu nhi (nếu không muốn nói đại đa số) chọn xem giải trí trên Youtube. Thiếu kiểm duyệt, “vàng thau lẫn lộn” trên môi trường mạng là điều khiến phụ huynh lo lắng và “tự kiểm duyệt” cho con em mình.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III