Các trẻ tham gia lớp năng khiếu hội họa. Ảnh: Huy KT
Phân vân chọn lựa
Có con gái đang chuẩn bị vào lớp 2 trong năm học tới, chị Thu Huyền - công chức nhà nước đã đôn đáo tìm trung tâm và nhờ giáo viên quen về nhà rèn chữ cho con. Chị Thu Huyền cho hay: “Là con gái nhưng chữ của cháu không nắn nót như các bạn. Tôi muốn cháu luyện chữ với hy vọng chữ viết của cháu sẽ được cải thiện hơn trong dịp hè”.
Bên cạnh đó, vẫn có quan điểm trái chiều, cho rằng trong thời buổi hiện nay, chữ đẹp không thực sự cần thiết vì đa phần đều gõ trên máy tính. Vả lại, viết chữ đẹp còn do khả năng của mỗi trẻ. Thực tế, có nhiều học sinh khi còn nhỏ thì chữ đẹp nhưng lớn lên thì chữ dần xấu đi. Theo chị Nhạn, nhân viên thu ngân: “Quan trọng là dạy con các kỹ năng sống, bởi đây là yếu tố quyết định quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con sau này”.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Xuân Danh - công chức nhà nước bày tỏ, đối với con, vợ chồng anh không quan trọng điểm số và thành tích học tập. Vì thực tế, anh biết có em học sinh 7 năm liền đều là học sinh giỏi, văn hay chữ tốt, nhưng khi mua món đồ lại không thể tính được số tiền mà chủ tiệm phải thối lại. Theo anh Danh, gia đình anh đề cao những kỹ năng sống, cách để con trẻ biết đâu là tốt, là xấu cho mình.
Ghi nhận thực tế, nhiều phụ huynh vẫn còn phân vân, lo lắng về kỹ năng sống cho trẻ. Vừa muốn con có kỹ năng cần thiết trong cuộc sống nhưng lại sợ con học không bằng các bạn, từ đó có những định hướng ưu tiên khác nhau.
Kỹ năng sống là cần thiết
Thông tin từ Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ năm học 2016-2017, sở đã có văn bản chỉ đạo phòng GD&ĐT yêu cầu các trường chấm dứt tình trạng tổ chức dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Trong đó, xác định chỉ được dạy, chuẩn bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 các kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, làm quen với môi trường học lớp 1; các trường có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy chữ trước lớp 1 cho trẻ mầm non.
Mặt khác, việc dạy chữ trước dễ khiến các em bị phân hóa thành nhiều trình độ khác nhau, giáo viên rất khó khăn để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Chia sẻ vấn đề này, cô Nguyễn Thị Chiêu ở Trường Tiểu học Tân Hưng (Ba Tri) cho biết, có sự chênh lệch lớn giữa em đã biết chữ trước và em chưa biết nên rất khó cho giáo viên. Bởi, dạy theo học sinh chưa biết chữ thì những em đã biết chữ sẽ dạy như thế nào. Bên cạnh đó, việc dạy và học trước chương trình lớp 1 còn làm trẻ chủ quan trong học tập.
Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Trần Văn Liêm cho rằng, phụ huynh không nên quá lo lắng trước việc trẻ có cần biết chữ trước khi vào lớp 1 hay không, bởi trẻ 6 tuổi bình thường hoàn toàn đủ khả năng học chữ, học số. Quan trọng nhất là cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý, rèn luyện cho trẻ các kỹ năng cần thiết như: cầm bút đúng cách, tư thế ngồi đúng... Theo đánh giá của các chuyên gia, 6 năm đầu đời của trẻ là giai đoạn thích hợp cho việc quan sát, học hỏi từ môi trường xung quanh, trẻ sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt.
“Là ba mẹ, mỗi phụ huynh muốn tốt cho con trẻ hãy dành sự quan tâm đúng cách, đúng thời điểm sẽ hỗ trợ trẻ tốt hơn, quan trọng không lỡ nhịp phát triển của trẻ”, chị Thắm chia sẻ.
Kỹ năng sống là tập hợp các kỹ năng mà con người tiếp thu qua giáo dục hoặc trải nghiệm trực tiếp được dùng để xử lý các vấn đề và câu hỏi thường gặp trong đời sống. Kỹ năng sống có chức năng đem lại hạnh phúc và hỗ trợ các cá nhân trở thành người tích cực và có ích cho cộng đồng. |