Học sinh Trường THCS Thị trấn Thới Lai tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại mô hình “Vườn Địa lý”.
► Nhiều mô hình hay
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, cho biết: Ngành GD&ĐT thành phố chỉ đạo đơn vị trực thuộc, các trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Hiện 100% trường học của thành phố đã thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; có tổ tư vấn tâm lý học đường. Đồng thời ngành còn rất chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống để tạo sự đoàn kết, gắn bó trong học sinh. Mỗi đơn vị trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm, văn nghệ, thể thao nhằm tạo môi trường thân thiện, gắn kết giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên. Phần lớn các trường đều phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội để tổ chức các chuyến về nguồn, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Em yêu lịch sử Việt Nam”; xây dựng các mô hình cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa;…
Thực tế, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở các trường học đã được thực hiện từ nhiều năm nay; càng được đẩy mạnh hơn khi Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi vào cuộc sống. Theo bà Quách Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, công tác giáo dục đạo đức cho học sinh được các trường lồng ghép vào các môn học. Đồng thời chỉ đạo tất cả trường tiểu học, THCS tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo; cũng như phát huy tối đa tổ tư vấn học đường.
Với huyện Thới Lai, tùy đặc thù mỗi trường đều chọn mô hình thực hiện công trình, phần việc thanh thiếu niên phù hợp, ý nghĩa nâng cao nhận thức, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Chẳng hạn, Trường Tiểu học Trường Xuân A xây dựng mô hình “Ngôi nhà yêu thương và sẻ chia” do Liên đội nhà trường thực hiện nhằm thu gom giấy vụn, chai nhựa bán, góp tiền lo cho học trò nghèo. Liên đội của trường còn xây dựng mô hình “Bản đồ Việt Nam” trong khuôn viên trường. Còn Trường THCS Thị trấn Thới Lai xây dựng mô hình “Vườn Địa lý”, “Vườn Lịch sử” trong khuôn viên trường, vừa phục vụ nhu cầu dạy và học vừa giáo dục lòng yêu quê hương cho học sinh... Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, cho biết: Ngành định hướng các trường đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, thực hiện các mô hình trải nghiệm sáng tạo, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ở khối các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cũng đa dạng các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, thông qua phong trào Thanh niên tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc;…
► Cần cộng đồng trách nhiệm
Tại Hội nghị sơ kết công tác khoa giáo 6 tháng đầu năm, giao ban khoa giáo quý II-2019, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức vừa qua, đại diện các ban ngành đoàn thể vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Phần lớn đại biểu cho rằng, mặt trái của kinh tế thị trường và sự phát triển thiếu kiểm soát của mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến thanh thiếu niên. Sự gắn kết giữa gia đình - nhà trường và xã hội thiếu chặt chẽ, khiến công tác quản lý, giáo dục học sinh chưa đạt hiệu quả. Bà Quách Thị Thu Hương cho rằng cần có giải pháp căn cơ hơn để tăng cường mối quan hệ 3 bên gia đình - nhà trường - xã hội để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Đồng tình quan điểm trên, đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS Thốt Nốt cho rằng, khó nhất là việc quản lý học sinh sử dụng mạng xã hội, bởi ngoài giờ học, các em thường xuyên lên các trang mạng xã hội để trao đổi thông tin, nhưng không phải thông tin nào cũng đúng đắn, khó tránh khỏi suy nghĩ lệch lạc trong học sinh. Nhà trường rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của phụ huynh để định hướng giáo dục học sinh. Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Sự phát triển của mạng xã hội hiện nay tác động sâu và rộng trong học sinh, trong khi sức đề kháng còn yếu. Ngành đã thực hiện giải pháp tuyên truyền gương điển hình, người tốt cho học sinh qua trang fanpage Cộng đồng GD&ĐT TP Cần Thơ. Nhưng muốn nâng cao hiệu quả, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cũng cần gắn kết hơn nữa giữa ban ngành đoàn thể địa phương để giáo dục học sinh.
Dù các cấp, các ngành có nhiều nỗ lực tạo sân chơi giải trí cho thanh thiếu niên nhưng ở các quận, huyện, nhất là ở vùng nông thôn vẫn thiếu sân chơi, giải trí… Đại diện Huyện Đoàn Phong Điền cho biết, việc tập hợp thanh thiếu niên ở địa bàn dân cư rất khó khăn. Bởi thiếu sân chơi, giải trí dành cho thanh thiếu niên; sự tác động của mạng xã hội khiến thanh niên dành nhiều thời gian “lang thang” trên mạng. Do vậy, ngoài việc đa dạng hình thức, tạo sân chơi lành mạnh, cần hỗ trợ, nhân rộng mô hình văn hóa, xã hội, kinh tế tại địa phương để có thể tập hợp, thu hút thanh thiếu niên tham gia. Ông Nguyễn Quốc Cường, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND thành phố, cho rằng: Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức thanh thiếu niên nói chung, HSSV nói riêng, các địa phương cần phát huy tối đa mô hình giáo dục truyền thống, cải thiện các điểm vui chơi giải trí; các cấp đoàn, hội cần đa dạng các hoạt động để thu hút thanh thiếu niên tham gia. Sự cộng đồng trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng đồng bộ giữa các đơn vị, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức, lối sống trong HSSV.