Khơi gợi niềm đam mê đọc sách

Thứ sáu, 12 Tháng 7 2019 06:46 (GMT+7)
Trong nhiều hoạt động hè, đọc sách là một sinh hoạt lành mạnh, bổ ích đối với trẻ em. Song trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, văn hóa nghe - nhìn đang lấn dần văn hóa đọc... Khơi gợi đam mê tìm hiểu kiến thức qua sách vở cũng như duy trì, khuyến khích thói quen đọc sách là vấn đề đáng quan tâm.

Nhiều trẻ đến đọc sách tại Nhà sách Fahasa Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: P.LIỄU

Nhiều trẻ đến đọc sách tại Nhà sách Fahasa Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: P.LIỄU

* Thích “đọc ké” ở nhà sách

Nếu như trước đây, chỉ đến thư viện các em mới có được nguồn sách, truyện dồi dào để đọc, thì nay trẻ em có thể ngồi đọc hàng giờ tại các siêu thị, nhà sách với nguồn sách, truyện rất phong phú.

Hiện các siêu thị, trung tâm thương mại như: Vincom, Co.opmart Biên Hòa, BigC, Siêu thị Đồng Nai... đều có những gian hàng bán và trưng bày sách rất bắt mắt, chủng loại phong phú, đa dạng, luôn có nguồn sách mới... Chính những điểm này đã thu hút khá nhiều trẻ em đến đọc, mua sách mỗi ngày.

Để tăng lượng người đọc sách, ngoài lượng sách chuyển xuống các trường, Thư viện tỉnh còn chuyển một lượng lớn sách xuống các trại giam trên địa bàn Đồng Nai để phục vụ nhu cầu đọc của phạm nhân. Ngoài ra, Thư viện tỉnh cũng tổ chức đọc sách cho bé nghe với sự tham gia của hàng trăm cháu ở 2 trường mẫu giáo tư thục trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Mê đọc sách từ nhỏ, trong hè này mỗi tuần một lần Trần Hòa An (12 tuổi, ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) lại được mẹ cho đi xe buýt đến Siêu thị Co.opmart Biên Hòa để đọc sách. Mang theo một chai nước và mẹ cho 50 ngàn đồng để đi xe và ăn trưa, An “ngồi đồng” ở Nhà sách Fahasa trong siêu thị này từ 10-15 giờ để đọc sách.

An cho biết, gần nhà cũng có bưu điện văn hóa nhưng lượng sách ở đây ít, phần lớn là sách cũ. Còn thư viện của trường cũng không nhiều sách mới, sách hay. Thấy em thích đọc sách, mẹ dẫn em đến Co.opmart Biên Hòa một lần rồi lần sau cho em tự đi xe buýt lên đây để đọc sách.

Một số học sinh tiểu học và THCS thích đến các siêu thị đọc sách vì nơi đây được đọc sách mới miễn phí, nguồn sách dồi dào, phần lớn là sách mới xuất bản. Nơi đây cũng rất thuận lợi khi cha mẹ mua sắm bên dưới, các em có thể ngồi đọc sách để chờ. Vì thế, chỉ riêng cửa hàng sách Fahasa ở Co.opmart Biên Hòa mỗi ngày có hàng chục trẻ đến đọc sách.

Tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai, các em đến sinh hoạt hè khá đông. Phòng đọc sách của nhà thiếu nhi có hôm kín chỗ. Các đầu sách ở đây chủ yếu dành cho trẻ mẫu giáo, tiểu học.

Còn tại Thư viện tỉnh, dù phòng đọc cho trẻ em được cải tạo lại đẹp hơn, tường được vẽ và dán tranh lịch sử, chỗ ngồi đọc được trang bị ghế nệm, ghế lười êm ái, có quạt máy mát mẻ... nhưng vẫn khá vắng vẻ. Ông Nguyễn Túc (ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) thường xuyên chở cậu con trai học lớp 7 đến Thư viện tỉnh để đọc sách, cho biết: “Tôi luôn khuyến khích con mình đọc sách. Trong năm học thì cuối tuần, còn dịp hè mỗi tuần 3 lần tôi chở con đến Thư viện tỉnh để đọc sách. Yên tĩnh, mát mẻ, có nhân viên phòng đọc quản lý nên tôi rất yên tâm. Nhưng theo tôi, Thư viện tỉnh cần có nhiều hoạt động để thu hút trẻ em đến đọc sách nhiều hơn”.

* Sách tìm người đọc

Để duy trì cũng như khuyến khích văn hóa đọc trước sự lấn lướt của “văn hóa nghe - nhìn”, hiện hệ thống thư viện, phòng đọc sách tại các trường học, bưu điện văn hóa xã, cũng như một số điểm đọc sách của các cựu chiến binh, giáo chức... đang nỗ lực thực hiện phong trào “sách tìm người đọc”.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ, trong thời đại internet phủ sóng khắp nơi, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, độc giả ngồi tại chỗ có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức của mình dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, sách online, thông tin trên mạng nhiều khi không chính thống, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của trẻ em. Do đó, hệ thống thư viện đang nỗ lực đem sách đến với người đọc, nhất là đối tượng trẻ em.

Theo ông Thành, cứ vào hè, Thư viện tỉnh lại phối hợp với ngành GD-ĐT tổ chức thi kể chuyện sách hè để khuyến khích các em đến thư viện đọc sách và kể chuyện theo sách. Mỗi năm, Thư viện tỉnh bổ sung khoảng 14 ngàn bản sách các loại, trong đó có từ 20-30% sách cho thiếu nhi. Thông qua hệ thống thư viện cấp huyện, mỗi năm, Thư viện tỉnh bổ sung và luân chuyển khoảng 3 ngàn đầu sách về các trường của một huyện và năm sau số sách trên lại luân chuyển sang huyện khác. Ngoài ra, Thư viện tỉnh cũng quan tâm bổ sung, tặng sách cho các tủ sách cộng đồng do người dân có tâm huyết tổ chức cho trẻ em trong địa bàn dân cư đến đọc. Còn tại Thư viện tỉnh cũng cải tạo không gian phòng đọc thân thiện để thu hút trẻ em đến đọc sách.

“Đọc sách là một hoạt động rất đáng được khuyến khích, nhất là với trẻ em. Đọc sách không chỉ làm giàu thêm kho kiến thức văn hóa, xã hội, rèn kỹ năng tư duy mà còn giúp làm giàu vốn từ ngữ cũng như kỹ năng viết... Các bậc cha mẹ nên khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tham gia đọc sách mỗi ngày, nhất là trong mùa hè” - ông Thành cho hay.

Phương Liễu - (baodongnai.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III