Nhu cầu gia tăng
Chị Nguyễn Thị Phương Linh (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) có 2 con trai đang học phổ thông. Con trai lớn vừa trúng tuyển lớp 10; con trai nhỏ đang học THCS ở một trường tư thục Cần Thơ. Chị Linh cho biết: Hai vợ chồng đều làm việc xa nhà, các trường THCS công lập không mở lớp bán trú, trong khi hai con chị học trường khác nhau, nên gia đình chọn trường ngoài công lập để thuận lợi đưa rước. Trường học tổ chức khóa học kỹ năng mềm, ngoại ngữ nên gia đình cũng không phải lo đưa rước cháu đi học thêm. Còn vợ chồng chị Nguyễn Kim Thy (phường Cái Khế) sau khi cân nhắc cũng quyết định gửi con học trường mầm non tư thục. “Tôi đang phân vân giữa Trường Việt Mỹ và Trường Phổ thông Thái Bình Dương. Cả hai trường đều có dạy từ lớp mầm non đến phổ thông, thuận lợi cho trẻ và gia đình”, chị Thy nói.
Giờ hoạt động ngoài trời của học sinh Trường Phổ thông Thái Bình Dương.
Những năm gần đây, nhu cầu của phụ huynh học sinh TP Cần Thơ và ĐBSCL tìm hiểu, chọn học hệ thống trường ngoài công lập, trường quốc tế ngày một tăng. Đó là một trong số nguyên nhân nhiều nhà đầu tư đến Cần Thơ. Riêng 2 năm (2018, 2019) có ít nhất 2 trường phổ thông ngoài công lập (Quốc tế Singapore tại Cần Thơ và FPT Cần Thơ) thành lập, chưa kể một số trường mầm non. Là một trong 3 cơ sở của hệ thống THPT FPT trong cả nước sau Hà Nội và Đà Nẵng, Trường THPT FPT Cần Thơ thành lập đầu năm 2019, hoạt động theo mô hình trường nội trú đầu tiên ĐBSCL. Theo bà Nguyễn Thị Uyên Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT FPT Cần Thơ, năm học 2019-2020, trường tuyển 150 học sinh cho các lớp THPT, với 2 hình thức xét tuyển học bạ hoặc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Hiện trường tuyển được 160 em/6 lớp, vượt chỉ tiêu đặt ra. Bà Thúy nhận định: Nhu cầu cho con học ở trường phổ thông ngoài công lập, trường quốc tế của phụ huynh học sinh ĐBSCL ngày càng tăng. Trong tổng số học sinh trúng tuyển có khoảng 40% học sinh của Cần Thơ, số còn lại ở ĐBSCL; điều này đáp ứng đúng mục tiêu giáo dục của trường cho toàn vùng.
Chương trình, học phí đa dạng
Với điều kiện kinh tế ổn định của đa phần gia đình ở Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, chương trình học mới, hình thức giáo dục đa dạng (ngoại ngữ, trải nghiệm ngoại khóa) là các yếu tố đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Đơn cử như Trường THPT FPT Cần Thơ, ngoài kiến thức phổ thông nền tảng, chương trình còn có những nội dung giúp học sinh hướng tới các kiến thức, kỹ năng, thái độ học tập ở bậc đại học chuẩn quốc tế tại Việt Nam hoặc đi du học. Bên cạnh đó, chú trọng nội dung phát triển cá nhân toàn diện thông qua các hoạt động ngoại khóa phong phú, tạo tính tự lập và tư duy phản biện, sáng tạo cho học sinh.
Tại Trường Phổ thông Thái Bình Dương, với nhiều cấp học từ mầm non đến THPT, đây là ngôi trường phổ thông quốc tế đầu tiên của ĐBSCL tiên phong trong việc đưa vào giảng dạy chương trình phổ thông và tiếng Anh quốc tế do các giáo viên bản ngữ trực tiếp giảng dạy, theo khung chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp học sinh vững kiến thức nền tảng và giỏi các kỹ năng mềm. Theo ông Lê Viết Minh Triết, Hiệu trưởng nhà trường, chương trình học tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện năng lực. Ngoài giờ học chính khóa, các em còn có trải nghiệm STEM Robotic, hoạt động ngoại khóa qua sinh hoạt các câu lạc bộ năng khiếu như Bóng đá, Bóng rổ, Vovinam, Karatedo, Âm nhạc, Mỹ thuật…; qua đó đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học sinh. “Đồng thời thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, trường duy trì, nâng chất các hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh”, ông Triết nói.
Bên cạnh khung chương trình, học phí là vấn đề quan tâm của nhiều phụ huynh. Tùy mỗi trường, mỗi bậc học, mức học phí khác nhau. Theo lãnh đạo các trường, mức phí đưa ra trên cơ sở quy định nhà nước, nhu cầu của phụ huynh học sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trường THPT FPT Cần Thơ, mức học phí ở mỗi lớp học 10, 11 và 12 có giá khác nhau, dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, học sinh còn chi thêm khoảng 2,4 triệu đồng/tháng cho các loại phí khác (ngoại khóa, ký túc xá…). Ông Minh Triết cho biết: “Chương trình giáo dục ở Trường Phổ thông Thái Bình Dương có một phần theo chuẩn quốc tế và học sinh được học với giáo viên nước ngoài nên mức phí tùy thuộc vào mỗi bậc học, phù hợp với điều kiện của người dân Cần Thơ và ĐBSCL”. Cụ thể, chương trình tiếng Anh quốc tế 2 (có 50% giáo viên nước ngoài giảng dạy), trẻ lớp nhà trẻ đến mầm non: dao động 4,4-4,6 triệu đồng/ tháng (bán trú); học sinh từ lớp 1 đến lớp 12: dao động từ 5,2- trên 9,6 triệu đồng/tháng (bán trú), còn nội trú từ 10 đến trên 14 triệu đồng/tháng. Chương trình tiếng Anh quốc tế 1 (100% giáo viên nước ngoài giảng dạy) có mức phí: từ lớp 1 đến lớp 11: dao động từ 6,9-trên 9,6 triệu đồng/tháng (bán trú); còn nội trú dao động từ khoảng 11 triệu đồng đến khoảng 14 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, theo đại diện của Trường Quốc tế Singapore tại Cần Thơ, bên cạnh chương trình học hướng đến chuẩn quốc tế, quy mô lớp học bậc THPT tối đa 25 học sinh/ lớp; học sinh của trường còn có cơ hội sang nước ngoài để học hỏi, giao lưu… Thế nên mức học phí của trường đối với chương trình THPT song ngữ trung bình khoảng 260 triệu đồng/1 năm học. Tùy mỗi bậc học (mầm non đến phổ thông) ở trường, chương trình có nét riêng song đều hướng đến chuẩn quốc tế. Bậc tiểu học và THCS song ngữ được thiết kế trên cơ sở kết hợp các ưu thế của chương trình giáo dục Việt Nam với một số môn học của Chương trình Giáo dục quốc tế.
***
TP Cần Thơ hiện có 36 trường THPT; trong đó có 6 trường ngoài công lập có nhiều bậc học và trường quốc tế. Sự phát triển các trường phổ thông ngoài công lập thời gian qua đã góp phần cùng ngành giáo dục thành phố chia sẻ áp lực tuyển sinh của hệ thống trường công lập. Hơn hết tạo điều kiện để phụ huynh có thể lựa chọn loại hình học tập phù hợp, giúp học sinh phát triển năng lực, tính cách.