Nghị lực của cậu học sinh khuyết tật

Thứ hai, 22 Tháng 7 2019 09:21 (GMT+7)
Đi lại khó khăn, nói chuyện bập bẹ từng tiếng một, thế nhưng khát khao được đến trường của cậu học trò Nguyễn Tấn Đạt, học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học Đào Duy Từ, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, vẫn sáng mãi từng ngày.

Không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, trong khi các bạn chạy nhảy vui đùa thì Đạt chỉ có thể đứng từ xa dõi theo. Tuổi thơ của một đứa trẻ hiếu động chôn chặt bên đôi bàn chân yếu ớt.

Mẹ của Đạt, chị Lê Ngọc Huyền, tâm sự: “Sinh thiếu tháng, từ nhỏ bé Đạt phải hấp điện nên không hoạt bát như những đứa trẻ khác. Cứ nghĩ vậy thôi, nhưng đến tháng thứ 5 thấy bé chậm phát triển, đặt đâu nằm đó. Gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng I thì trên đó chẩn đoán bé chậm phát triển tâm thần vận động, di chứng để lại là phát âm khó khăn, chân yếu tự đi lại không được, phải có người dìu dắt”.

Cứ nghe ai mách thầy thuốc nào giỏi là gia đình đưa Đạt đến chữa trị.

Mặc dù gia đình chị Huyền cố sức chạy chữa thuốc thang cho con nhưng tình hình không khá mấy, của cải trong nhà cứ vơi theo. Kinh tế gia đình suy sụp, việc chạy chữa cũng ngừng lại. “Ai chỉ chỗ nào hay, bác sĩ giỏi, tôi cũng bồng bế cháu đi....”, chị Huyền thở dài.

Năm lên 10 tuổi, Đạt được mẹ cho đến trường như các bạn, nhưng với thân phận là “học gửi”. Do đi lại khó khăn, phần trường cách nhà khá xa (3,5 km) phải chèo xuồng, đi xe nên mỗi ngày 2 bận cha em phải chèo chống đến trường rồi ở lại học cùng con. Suốt 3 năm liền không quản ngại nắng mưa Đạt đã đến trường bằng cách như thế.

Anh Nguyễn Út Anh, 34 tuổi, cha Đạt, cho biết: “Đưa con đi học rồi phải ở lại với con, lỡ khi nó mắc đi vệ sinh, khát nước, hoặc mệt giữa chừng thì mình chạy vô lo, chứ đâu thể nhờ cô giáo làm thay hoài được”.

Từ lúc Đạt lọt lòng đến nay, chưa phút giây nào chị ngừng lo lắng: “Ổng (cha Đạt) không có nghề ổn định, ai thuê gì làm đó, bữa làm hồ, bữa khiêng đất..., còn tôi thì đi phụ cho một tiệm tạp hoá trong xã, mỗi ngày tiền công được 100 ngàn đồng, làm từ sáng đến tối mới về”.

Lúc này, vai trò người cha, mẹ trong gia đình được hoán đổi cho nhau, nhưng tất cả đều để chăm lo tốt cho đứa con. Dù chậm phát triển nhưng Đạt rất siêng năng, cần cù, ham học, trừ khi bệnh nặng chứ chưa bao giờ em nghỉ học vô cớ. Đến trường là một niềm vui và những lúc thế này cha em lại thấy con cười nhiều hơn trước.

Đạt rất hiền, vẻ mặt có chút ngô nghê, nhưng đổi lại em có đôi mắt đen láy như biết nói. Mỗi khi ai đặt câu hỏi, Đạt chậm rãi nghe rồi trả lời từ tiếng một, dù phát âm còn chưa tròn, nhưng đây là nỗ lực rất lớn từ những ngày cha mẹ tập nói, tập đi cho Đạt.

Mẹ Đạt cho biết: “Vô lớp đa phần là Đạt chỉ ngồi học rồi ghi chép chứ ít khi phát biểu nhưng về nhà bài tập làm rất tốt. Bé thích học nhất là môn Toán, cứ rảnh là tôi lại tập cho con đi từng bước, rồi tập nói. Mong một ngày con sẽ tiến triển tốt hơn”.

Thời gian trôi, Đạt lớn lên từng ngày, mang theo niềm hy vọng của cha, niềm tin yêu của mẹ. Đạt đến trường đều đặn và niềm vui mỗi năm học kết thúc là tấm giấy khen cùng phần thưởng đem về nhà. Đó là món quà động viên cho nghị lực không buông xuôi số phận của cậu học trò khuyết tật, giúp em toả sáng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào./.

Nhi Nhi - (baocamau.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III