Chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1

Thứ sáu, 26 Tháng 7 2019 08:33 (GMT+7)
Sự chuyển cấp từ bậc mầm non sang tiểu học sẽ kéo theo những chuyển biến về mặt tâm lý và môi trường sinh hoạt, học tập của trẻ. Do đó, để trẻ có thể bắt nhịp được với môi trường mới, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý và những kiến thức cần thiết cho trẻ…

Việc thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên lớp 1 sẽ gây sốc cho trẻ nên phụ huynh cần theo dõi sát, qua đó đồng hành cùng các em. Ảnh minh họa

Việc thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên lớp 1 sẽ gây sốc cho trẻ nên phụ huynh cần theo dõi sát, qua đó đồng hành cùng các em. Ảnh minh họa

Thay đổi môi trường của trẻ

Giai đoạn chuyển từ mầm non sang lớp 1 sẽ có hàng loạt thay đổi về mặt tâm lý. Theo nhiều giáo viên bậc mầm non, nếu ở bậc học mầm non các hoạt động vui chơi là chủ đạo thì khi vào lớp 1 học tập lại là hoạt động chính. Đây có thể dẫn đến “cú sốc” tâm lý nếu phụ huynh không có sự chuẩn bị trước cho trẻ.

Anh Phạm Mai Trung Luận (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết, đứa con trai chuẩn bị vào lớp 1 nên ngoài việc giảm áp lực, cho con vui chơi thoải mái trong những ngày hè, cả gia đình hàng ngày đều tập cho con các kiến thức, kỹ năng tự lo cho bản thân.

“Quan trọng nhất là hướng dẫn cho cháu tính nề nếp, kỷ luật, thời gian ngủ và thức dậy đúng giờ, biết tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho bản thân,… để cháu có thể thích ứng tốt hơn với môi trường học tập mới”- anh Luận chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Kết nối cộng đồng Vĩnh Long Trần Hoàng Túy chia sẻ, trẻ học mầm non sang lớp 1 là giai đoạn sẽ dễ bị sốc tâm lý nhất nên phụ huynh cần hết sức quan tâm, nhất là môi trường thay đổi từ chủ yếu là chơi sang học tập là chính.

Thầy Trần Hoàng Túy chia sẻ thêm, phụ huynh phải tập cho trẻ đúng giờ, biết tự soạn sách vở và đồ dùng học tập đầy đủ, tập tính kỷ luật, nề nếp,…

“Tuy đây là những điều rất lạ lẫm với các cháu vì lứa tuổi này mức độ tập trung của trẻ không cao. Song phụ huynh nên cố gắng hướng dẫn cho con mỗi ngày.

Từ đó tránh trường hợp vì sự thay đổi đột ngột môi trường học mà thời gian đầu, khi vào lớp các em sẽ khóc nhiều, đòi cha mẹ cho ở nhà, không muốn đi học. Đây là giai đoạn khó khăn để ổn định tâm lý cũng như chất lượng học tập cho cả bậc tiểu học”- thầy chia sẻ.

Một giáo viên cho lời khuyên, ở giai đoạn này, phụ huynh phải là những người bạn đồng hành cùng các cháu.

Khi trẻ chính thức bước vào lớp 1, phụ huynh nên lắng nghe những tâm sự của trẻ cũng như theo dõi các hoạt động trong lớp thông qua những câu hỏi. Từ đó sẽ giúp trẻ có được sự tự tin cũng như an tâm với một môi trường học tập mới.

Chuẩn bị hành trang vào lớp 1

Ở bậc mầm non, môi trường học tập chủ yếu vui chơi là chính. Ảnh minh họa

Ở bậc mầm non, môi trường học tập chủ yếu vui chơi là chính. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia tâm lý, khi từ môi trường trẻ được tự do vui chơi chuyển sang một môi trường có nề nếp, kỷ luật hơn thì phụ huynh cần chuẩn bị những hành trang cho các bé.

Ở bậc tiểu học, các em phải ngồi vào bàn, không được tự do chọn chỗ chơi hay nói chuyện trong giờ học. Phụ huynh cần nói và phân tích rõ cũng như tập cho các trẻ làm quen ở nhà trước.

Song song đó, cũng cần rèn luyện cho trẻ thói quen giơ tay phát biểu, biết lắng nghe người khác, biết tập trung chú ý nghe bài giảng.

Thầy Trần Hoàng Túy chia sẻ, phụ huynh cần lưu ý chuẩn bị cho các em khả năng tự phục vụ vì đây là kỹ năng rất quan trọng đối với trẻ mới vào lớp 1.

“Các cháu phải tự phục vụ mình, tự giải quyết vấn đề nên phụ huynh cần trao đổi, hướng dẫn, thậm chí là ra tình huống để các cháu tự giải quyết. Nói chung, thời gian nghỉ hè của trẻ chuyển từ bậc mầm non lên lớp 1 ngoài vui chơi giải trí thì cũng cần học tập rất nhiều từ chính trong gia đình…”- thầy Trần Hoàng Túy cho biết.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh thắc mắc là có nên cho trẻ đi học trước những môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt hay không vì lý do sợ con mình không bắt được nhịp độ học tập ở môi trường mới.

Thầy Trần Văn Thơ- một giáo viên tiểu học về hưu ở thị trấn Long Hồ- chia sẻ, thật sự không khuyến khích việc phụ huynh cho trẻ đi học trước, vì ở bậc mầm non, các cháu đã tập làm quen mặt chữ, mặt số.

“Việc học trước khi trẻ chưa tập trung nhiều thật sự không phù hợp với lứa tuổi, thể chất sẽ dễ dẫn đến việc lệch lạc về tư thế ngồi, nét chữ, tay cầm viết…

Đương nhiên để chỉnh lại những hạn chế đó sẽ còn khó hơn là dạy mới, gây khó khăn cho những giáo viên lớp 1”- thầy Trần Văn Thơ cho biết.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III