Một tiết học tại Trường Mầm non Hoa Dừa (TP. Bến Tre). Ảnh: PH.Hân
Giảm 229 biên chế
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Bữu cho biết, từ năm học 2015-2016, toàn tỉnh thiếu gần 850 GVMN, mẫu giáo. Nguyên nhân của tình trạng này thời gian qua là do chuyển đổi dạy và học 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày, đòi hỏi cần có 2 giáo viên (GV)/lớp. Mặt khác, hiện nay, cả tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nên sẽ cắt giảm biên chế của ngành.
Mới đây, Kỳ họp lần thứ 11 HĐND tỉnh khóa IX đã thông qua kế hoạch phân bổ số lượng người làm việc, hợp đồng theo Nghị định số 68/NĐ-CP của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng người làm việc trong các tổ chức hội đặc thù của tỉnh năm 2019. Theo đó, sự nghiệp GD&ĐT là 16.360, giảm 235 biên chế; trong đó, Trường Cao đẳng Bến Tre là 277 (giảm 6 biên chế), biên chế các đơn vị thuộc Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cấp huyện trong năm học 2019-2020 là 16.083, giảm 229 biên chế; được thực hiện và áp dụng từ ngày 1-8-2019.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Bữu cho biết, số 229 biên chế sẽ giảm ở bậc tiểu học, THCS, THPT. Biên chế GVMN sẽ không thay đổi, do đó các trường chưa tuyển đủ biên chế năm học 2018-2019 sẽ tiếp tục tuyển để đảm bảo việc dạy học và chăm sóc cho trẻ. “Do biên chế của ngành trong những năm qua bị đóng khung, không tăng, thậm chí bị cắt giảm, Sở phải sử dụng số biên chế GV ở các cấp phổ thông nghỉ hưu để bù đắp dần số biên chế GVMN, mẫu giáo còn thiếu”, ông Lê Ngọc Bữu cho biết.
Cô và các bé tại Trường Mầm non Hoa Dừa (TP. Bến Tre). Ảnh: Phan Hân
Đảm bảo chế độ gắn với đào tạo
Trước thực trạng thiếu GV, hàng năm, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách để đảm bảo hỗ trợ tất cả chế độ, chính sách cho GVMN đầy đủ theo quy định. Cụ thể, đối với các trường có đủ GV theo quy định thì GV làm việc 6 giờ trực tiếp dạy trẻ và 2 giờ làm công việc khác do hiệu trưởng phân công, đảm bảo 40 giờ/tuần theo quy định tại Thông tư số 48 của Bộ GD&ĐT về quy định chế độ làm việc cho GVMN. Đối với những lớp học 2 buổi/ngày, nhưng bố trí 1 GV thì tính thêm 2 giờ/ngày nếu có tổ chức bán trú; những lớp không có tổ chức bán trú thì được tính thêm 1 giờ/ngày.
Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thanh Bình cho hay, để giúp GVMN an tâm công tác, hàng năm, ngoài việc tổ chức học tập các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo triển khai nhiệm vụ năm học của cấp học mầm non đến tất cả GVMN nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tạo điều kiện cho GVMN học tiếp tục lên cao đẳng, đại học để nâng cao trình độ. Mặt khác, Sở GD&ĐT đề nghị tiếp tục cho Trường Cao đẳng Bến Tre đào tạo GVMN, mẫu giáo bằng nhiều hình thức chính quy, vừa học vừa làm. Hàng năm đào tạo từ 100 - 150 GVMN.
Ông Lê Ngọc Bữu cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non. Trong đó, kiến nghị Trung ương có chính sách đặc thù về đất đai cho giáo dục để kêu gọi đầu tư ngoài công lập. Đồng thời, kiến nghị tỉnh tiếp tục cho mở cơ sở giáo dục mầm non công lập ở những nơi có nhu cầu bức xúc về gửi trẻ nhưng khó kêu gọi đầu tư; không cắt giảm biên chế GV một cách cơ học mà cấp biên chế giáo dục theo nhu cầu thực tế để tránh áp lực công việc cho đội ngũ GV.
Đồng thời, đề xuất Trường Cao đẳng Bến Tre thực hiện khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho người chăm sóc trẻ. Chương trình 300 tiết theo Quyết định số 1923 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục để tạm thời đáp ứng cho các nhóm trẻ đang phát triển. Việc đào tạo GVMN hàng năm của tỉnh theo chỉ tiêu do Bộ GD&ĐT phân bổ. Theo đó, năm 2018 có 82 sinh viên ra trường, tháng 6-2019 có 167 sinh viên. Hiện nay, Trường Cao đẳng Bến Tre đang đào tạo 254 sinh viên, số sinh viên này sẽ ra trường trong năm 2020 và 2021.
Sở GD&ĐT cũng đã đề xuất tỉnh có chủ trương cho phép Trường Cao đẳng Bến Tre liên kết với Trường Đại học Đồng Tháp mở các lớp đào tạo GVMN trình độ cao đẳng, đại học với số lượng 100 học viên, tạo điều kiện cho GVMN liên thông trình độ đại học 40 học viên và đại học văn bằng 2 cho 40 học viên trong năm 2019. Đến nay, nhu cầu của tỉnh cần trên 200 GVMN và khả năng sẽ lấp đủ trong năm nay.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Mãi cho rằng, ngành GD&ĐT cần có cách tiếp cận mới về xã hội hóa giáo dục mầm non, đánh giá hiện trạng các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện có để có hướng đề xuất chuyển đổi sang ngoài công lập, dành biên chế để phát triển giáo dục mầm non ở những nơi không có khả năng thu hút xã hội hóa. |