Học sinh cùng đọc sách tại thư viện
Vui học cùng tiết đọc thư viện
Ở một không gian đặc biệt, có một tiết học diễn ra cũng thật đặc biệt, không kém phần thú vị. Ở đó, HS không cần ghi chép bài mà thỏa sức hòa mình vào các hoạt động sôi nổi của tiết học. Có lúc, cả lớp rất im ắng hoặc chỉ nghe một giọng đọc to vang lên và cũng có lúc ồn ào, náo nhiệt. Đó chính là Tiết đọc thư viện mà một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Long An đưa vào chương trình học chính khóa nhằm giúp HS có thêm nhiều kiến thức, biết trân trọng sách và khơi gợi sự ham thích đọc sách của các em.
Tại Trường Tiểu học Tân Lập (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), HS học Tiết đọc thư viện 1 tiết/tuần. Theo đó, các em cùng tham gia nhiều hoạt động như đọc to nghe chung; cùng đọc; vẽ, viết nội dung sách được đọc; sắm vai;... Tùy theo khối lớp, nội dung sách, HS tham gia các hoạt động khác nhau. Trong đó, đọc to nghe chung, giáo viên (GV) đọc sách cho HS nghe. Trong quá trình đọc, GV không quên cho HS dự đoán nội dung, diễn biến câu chuyện. Từ đó, các em được thỏa sức tưởng tượng theo những suy nghĩ của mình với những dữ liệu ban đầu. Kết thúc câu chuyện, GV chọn một trong những hoạt động sắm vai, vẽ, viết cảm nhận để HS thể hiện lại câu chuyện.
Cô Nguyễn Thị Thu - GV lớp 2B, Trường Tiểu học Tân Lập, cho biết: “Tiết đọc thư viện giúp HS hứng thú và thoải mái khi học. Đặc biệt, các em được phát huy khả năng tư duy khi dự đoán tình huống câu chuyện diễn ra tiếp theo. Nhờ theo sát từng hoạt động, HS hiểu nội dung câu chuyện và rút ra cho mình bài học riêng”.
Học sinh vẽ tranh từ cuốn sách được đọc
Thông qua Tiết đọc thư viện, HS được tiếp cận sách nhiều hơn, rèn luyện khả năng tư duy, phát triển năng khiếu và góp phần giáo dục đạo đức HS thông qua những bức thông điệp, câu chuyện ý nghĩa sau mỗi bài học. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập - Trương Thị Kim Dương chia sẻ: “Trường tổ chức Ngày hội đọc sách 1 lần/năm học. Ngày đó, sân trường là không gian thư viện mở với sự tham gia đọc sách của HS, phụ huynh và GV. Ngày hội có các hoạt động góc, gồm đọc to nghe chung, đọc sách cùng con, làm sách mini, sáng tạo, rung chuông vàng. Trong đó, hoạt động góc đọc sách cùng con là HS và phụ huynh cùng đọc một quyển sách và cứ lần lượt mỗi người đọc một trang cho đến hết quyển sách. Sau đó, phụ huynh và HS trả lời câu hỏi đi kèm với nội dung quyển sách”.
Nếu không tổ chức Tiết đọc thư viện, để khuyến khích tinh thần đọc sách cho HS, các trường tiểu học tăng cường bổ sung đầu sách phù hợp lứa tuổi với nhiều thể loại, nội dung hay và đa dạng; đồng thời, trang trí thư viện tạo không gian đẹp mắt, sinh động nhằm thu hút HS. Bên trong thư viện là những cuốn sách được sắp xếp ngay ngắn, có quy luật và theo bảng màu quy định với từng khối lớp. Mỗi giờ ra chơi, thư viện lại nhộn nhịp HS đến đọc, mượn sách.
Giáo viên cho học sinh dự đoán nội dung sách
Học sinh phổ thông “mặn mà” với thư viện
Nếu cấp tiểu học, hoạt động đọc, mượn sách khá nhộn nhịp, sôi nổi thì cấp THCS, THPT, thư viện trường học lại im ắng hơn. Có HS không đến thư viện trong nhiều năm học liên tiếp. Theo các em, muốn tìm hiểu thông tin, thay vì đến thư viện như trước đây, các em có thể tra cứu trên Internet.
Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành) là một trong những trường được chọn thực hiện trường học tiên tiến của tỉnh. Do đó, thư viện cũng được quan tâm đầu tư. Thư viện trường hiện có trên 9.000 đầu sách, trong đó chủ yếu là sách phục vụ học tập như sách tham khảo của HS, GV, sách giáo khoa, sách lịch sử,… Ngoài ra, thư viện còn bố trí 22 máy vi tính có kết nối Internet phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin, kiến thức của HS. Tuy nhiên, thư viện vẫn “đìu hiu” HS đến đọc, các em chủ yếu đến mượn sách mang về.
Nguyễn Quốc Siêu - HS lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Thông, bộc bạch: “Thỉnh thoảng, em có đến thư viện mượn sách. Tuy nhiên, thư viện không nhiều thể loại sách em thích. Do đó, em thường tự mua sách để đọc. Như vậy, em có thể xem bất cứ khi nào em muốn”.
Thư viện bố trí máy vi tính kết nối Internet phục vụ học sinh tra cứu thông tin
Còn Phan Thanh Phong - HS lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Thông, thổ lộ: “Hầu như sau cấp tiểu học đến nay, em rất ít đến thư viện của trường để đọc hay mượn sách. Bởi cần tìm hiểu thông tin gì, em có thể tra cứu trên Internet. Nếu muốn nắm kỹ hơn, em sẽ tự mua sách để đọc”.
Không chỉ HS, nhiều sinh viên (SV) cũng cùng quan điểm. Các em đọc sách theo sở thích nên thường chọn giải pháp tự mua hoặc đọc sách điện tử. Đỗ Thị Kim Thoa - SV năm 3, Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, tâm sự: “Em vẫn duy trì thói quen đọc sách nhưng rất ít đọc tại thư viện của trường. Em thường mua sách theo tác giả hoặc thể loại mình thích. Riêng tìm hiểu kiến thức chuyên ngành, phục vụ học tập, em thường chọn giải pháp tra cứu trên Internet”.
Tại thư viện của tỉnh, độc giả đọc tại chỗ cũng giảm mạnh so với trước. Đa phần độc giả chọn mượn sách. Phó Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh - Lê Việt Hùng cho biết: “Mặc dù bạn đọc tìm đến thư viện có giảm so với trước nhưng theo tôi, văn hóa đọc không đi xuống mà đổi từ phương tiện đọc sách giấy sang sách điện tử. Hiện thư viện đang triển khai thư viện điện tử. Theo đó, bạn đọc có thể đọc sách của thư viện thông qua sách điện tử”.
Xây dựng văn hóa đọc trong trường học rất quan trọng, nhất là từ cấp tiểu học, góp phần hình thành sự ham thích đọc sách cho mỗi HS, SV. Có nền tảng ấy, HS, SV có thể lựa chọn cách tiếp cận sách phù hợp, duy trì thói quen đọc sách và tìm hiểu kiến thức thông qua các phương tiện khác nhau./.