Hiệu quả phong trào “Heo đất khuyến học”

Thứ năm, 31 Tháng 10 2019 10:43 (GMT+7)
Phong trào tiết kiệm mang tên “Heo đất khuyến học” đã và đang trở thành hoạt động thường niên mang lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần xây dựng xã hội học tập của thầy và trò Trường THCS Bình Khánh (TP. Long Xuyên).

Đập heo đất lấy tiền giúp bạn

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Bình Khánh Đoàn Kim Hân cho biết: “Phong trào “Heo đất khuyến học” bắt đầu từ năm 2012. Lúc đó, mô hình có tên là “Heo đất tình bạn”, đến nay đổi tên là “Heo đất khuyến học”. Ngay từ đầu năm học, nhà trường phát động phong trào nuôi heo đất. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm phổ biến hình thức nuôi heo đất cho các em. Với những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi không bắt buộc phải nuôi heo đất, mà chỉ giáo dục cho các em về ý thức tiết kiệm. Sau khi phát động, mỗi chi đội được cấp một chú heo đất và kêu gọi các đội viên tham gia với tinh thần tự nguyện. Các chi đội có trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc heo đất của mình thật tốt. “Thức ăn” cho heo là: tiền tiết kiệm từ những buổi ăn sáng, ăn quà vặt hay tiền sinh hoạt hàng ngày của các em học sinh. Mỗi năm học, các chi đội nuôi đến 2 con heo đất. Sau khi “mổ thịt” chú heo đất thứ nhất vào dịp Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ phát tiếp chú heo đất thứ 2 cho các chi đội nuôi và tiến hành đập vào dịp cuối năm học (trước khi kết thúc học kỳ II). Đập heo xong, giáo viên chủ nhiệm tổng kết báo cáo với nhà trường số tiền nuôi heo đất của lớp mình. Số tiền nuôi heo đất sẽ hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Sau khi tổng kết, nhà trường sẽ rà soát danh sách học sinh giỏi, học sinh nghèo mà các chi đội đề cử để trao học bổng và quà Tết… Trung bình mỗi năm học, nhà trường sẽ trao từ 120-130 phần quà Tết cho học sinh nghèo, khó khăn”.

Riêng tiền tiết kiệm được từ việc đập heo lần thứ 2 của các chi đội sẽ được dùng để phục vụ các công trình măng non của trường như: lót đan trường học, làm bảng tên các lớp, tặng góc học tập cho học sinh nghèo… Thời điểm này, nhà trường đã trao tổng cộng 12 góc học tập gồm: bàn học, đèn, quạt, tập, sách cho những học sinh có tinh thần vượt khó. Cô Hân tâm sự, xuất phát từ mô hình nuôi heo đất của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đông Xuyên và của nhà mình mang lại nhiều lợi ích, cô Hân đã đề xuất và được ban giám hiệu cũng như tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường ủng hộ. Cứ thế, phong trào nuôi heo đất khuyến học ngày càng phát triển. Ban đầu, tiền đập heo chỉ hơn 30 triệu đồng/năm học, đến nay đã hơn 90 triệu đồng/năm học.

Từ phong trào, các em học sinh biết sống tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí, đặc biệt là biết cảm thông, chia sẻ tình yêu thương, động viên và giúp đỡ các bạn kém may mắn hơn mình vươn lên trong học tập với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Đây là phong trào có tính nhân văn sâu sắc nhằm xây dựng xã hội học tập, giúp bạn đến trường, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng. Phong trào này sẽ được duy trì và nhân rộng để động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được “Tiếp bước đến trường”, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống.

Em Lâm Nhật Anh Thư (học sinh lớp 7A1, Trường THCS Bình Khánh) chia sẻ: “Lớp em cho heo đất “ăn” vào các ngày thứ 4, thứ 5 và thứ 7 trong tuần. Số tiền bỏ ống heo không bắt buộc, bạn nào có nhiều bỏ nhiều, không có cũng chẳng sao. Số tiền bỏ ống heo là do em tiết kiệm từ tiền được ba mẹ cho ăn sáng. Tuy không nhiều nhưng mỗi bạn một ít, đến khi đập heo, lớp em được số tiền kha khá để giúp đỡ bạn khó khăn. Nghĩ vậy, cả lớp ai cũng háo hức đợi đến ngày cho heo ăn”. Không chỉ vậy, nhiều em còn ý thức được việc tiết kiệm ngay cả ở nhà nên đã nuôi thêm cho mình một chú heo đất. Như em Nguyễn Ngọc Minh Anh (học sinh lớp 7A1) cho hay: “Ngoài tiết kiệm tiền nuôi heo đất ở lớp, em còn dành chút ít nuôi heo đất ở nhà. Đến cuối năm, em sẽ đập heo (được 1-2 triệu đồng). Số tiền đó, em dùng để mua dụng cụ học tập và sắm những món đồ mình thích để tự thưởng cho bản thân. Ba mẹ rất ủng hộ việc làm này của em!”.

Chính mô hình thiết thực và ý nghĩa của Liên đội Trường THCS Bình Khánh góp phần giáo dục tính cách học sinh. Dù giá trị khoản tiền tiết kiệm từ heo đất không lớn nhưng mỗi con heo đất chứa đựng những tình cảm yêu thương của học sinh, giáo viên dành cho học sinh nghèo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khuyến học trong trường học.

PHƯƠNG LAN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III