Các em học sinh vui mừng nhận thưởng tham gia “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” năm học 2018-2019.
Hào hứng, vui nhộn
Hào hứng khi hoàn thành xong tấm thiệp bé xinh cùng với bạn bằng bìa cứng, ống hút và giấy màu, em Nguyễn Hải Yến, học sinh lớp 9A4, chia sẻ: “Năm học rồi, em đã được cô hướng dẫn làm tấm thiệp bé xinh để tặng mọi người. Em rất thích được thực hiện các hoạt động này vào giờ ra chơi cùng các bạn. Hồi trước, em làm tấm thiệp rất lâu, bây giờ có kinh nghiệm rồi, chỉ khoảng 30 phút em đã hoàn thành”. Với sự khéo léo, tinh tế và óc thẩm mỹ, chiếc thiệp bé xinh của em Hải Yến đã được các bạn bình chọn là tấm thiệp đẹp nhất vào năm học 2018-2019.
Đưa mắt nhìn từng nhóm học sinh tụm lại với nhau, em thì cắt, em thì dán, em thì tranh thủ thắt nơ, em tô màu... hoạt động vào giờ ra chơi tại trường thật vui nhộn, hào hứng. Các em thoải mái, tự tin trao đổi từng ý tưởng trang trí với nhau trên tấm thiệp nhỏ nhắn, dễ thương của mình. Cô Nguyễn Thị Thu Giang, giáo viên Tổng phụ trách đội của trường, người đề ra ý tưởng này, chia sẻ: “Tôi thấy giờ ra chơi của học sinh thay vì các em ngồi bấm điện thoại, chạy giỡn xung quanh trường dễ bị té ngã. Rồi một số học sinh chưa ngoan, giờ ra chơi giáo viên phải quan sát, quản lý khá vất vả. Tôi đã lên ý tưởng thực hiện một mô hình hấp dẫn để giờ ra chơi của các em thêm thú vị, với những hoạt động bổ ích, thu hút được các đối tượng học sinh tham gia”.
Nghĩ là làm, cô bắt tay vào thực hiện mô hình. Đầu tiên xây dựng khung kế hoạch chương trình cụ thể theo chủ đề từng tháng phù hợp để trình Ban giám hiệu. Lợi thế khi thực hiện mô hình này vào dịp hè năm học 2017-2018, Thành đoàn Vị Thanh đã tổ chức một hoạt động trải nghiệm sáng tạo và từ nền tảng đó, cô Giang lựa chọn những cách làm phù hợp với thực tế học sinh tại trường.
Trong giờ ra chơi, các em học sinh được trực tiếp tham gia trải nghiệm sáng tạo. Mỗi tháng, các em học sinh được tham gia trải nghiệm theo từng chủ đề như: tháng 10 và 11 là “Tấm thiệp bé xinh”, tháng 12 là “Chú bọ dễ thương”, tháng 1 và 2: “Đàn thỏ vườn em”, tháng 3: “Vươn chồi”, tháng 4 và tháng 5 là “Lưu niệm trao nhau”. Để thực hiện mô hình, đa phần các nguyên vật liệu được chọn sử dụng là các nắp chai nhựa, lon nước ngọt, lon bia, giấy thùng xốp... Từ những nguyên vật liệu tưởng chừng bỏ đi mà qua sự nhiệt tình hướng dẫn của giáo viên, sự sáng tạo của học sinh, những con bọ cánh cứng bằng nắp bia hoàn thành, từng tấm thiệp bằng bìa cứng đã được trao tặng đến tay thầy cô, cha mẹ, hay những chậu hoa nhỏ để bàn bằng chai nhựa được cắt tỉa khéo léo trang trí lớp học...
Thiết thực, bổ ích
Bà Tăng Thị Mai Thy, phụ huynh học sinh, chia sẻ: “Tôi không giấu được niềm vui khi con tặng mình tấm thiệp do chính tay con làm. Mình đã từng mua thiệp tại shop tặng bạn, đã từng được bạn bè tặng thiệp nhân các dịp lễ, nhưng cảm giác nhận một tấm thiệp do chính tay con làm cảm giác rất hạnh phúc. Tôi cảm ơn nhà trường đã tạo một sân chơi bổ ích để con được trải nghiệm. Tôi thấy hoạt động rèn cho các con khả năng sáng tạo, sự khéo léo, tinh tế, cho các con gần gũi, hòa đồng với bạn bè”.
Thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể, học sinh sẽ phát huy vai trò cụ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị nguyên liệu, thực hiện và đánh giá kết quả. Học sinh còn được bày tỏ quan điểm ý tưởng và lựa chọn ý tưởng của chính mình. Mô hình không chỉ mang tính chất hoạt động vui chơi giải trí sau giờ sinh hoạt trên lớp, đây còn là một giờ học sáng tạo. Học sinh “học mà chơi, chơi mà học”, em Hồ Hình Mỹ Ý, học sinh lớp 7A2, thổ lộ: “Vừa vui chơi, sáng tạo cùng các bạn, em còn có nhiều cảm xúc để chuyển tải vào các bài tập làm văn. Không chỉ vậy, nhờ làm chú bọ cánh cứng mà em học tốt môn sinh học nữa, rồi môn công nghệ, môn giáo dục công dân...”.
Với những hiệu quả tích cực mang lại, giúp học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui, “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” Trường THCS Lê Quí Đôn, được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là một trong 31 mô hình đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2018-2019, nhân rộng trong năm học 2019-2020.
Bà Bạch Thị Duy Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quí Đôn, chia sẻ: “Hướng nhân rộng mô hình của trường là giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tạo ra các sản phẩn thân thiện với môi trường, nói không với bọc ni-lông và rác thải nhựa. Dự kiến sẽ thiết kế các túi giấy, bền để tạo ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trong học sinh. Năm học này, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện một mô hình mới góp phần tăng cường giáo dục đạo đức học sinh, rèn các kỹ năng cần thiết, để mỗi học sinh được phát triển toàn diện cả nhân cách lẫn năng lực học tập”.