Chuyên viên GAIA chia sẻ về phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ
Hiểu được ý nghĩa của việc giáo dục kỹ năng sống sớm cho học sinh, UBND huyện Châu Thành phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục quốc tế (GAIA) vừa tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng truyền đạt kỹ năng sống cho các giáo viên là hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS thuộc 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với mục đích giúp các cán bộ quản lý hiểu được tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống và hướng dẫn, phân công giáo viên tổ chức những hoạt động ngoại khóa trong đó lồng ghép chia sẻ, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Tại lớp tập huấn, các hiệu trưởng đã được tiếp thu chương trình giáo dục kỹ năng sống mới nhất, được cập nhật các ứng dụng công nghệ thông tin tối ưu nhất vào việc giảng dạy và các trò chơi học tập được thiết kế nhằm hỗ trợ cho hoạt động khám phá, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng tạo hứng thú học tập, khuyến khích học sinh phát triển bản thân. Cùng với đó, các giáo viên được hướng dẫn nên thiết kế riêng chương trình giáo dục kỹ năng sống cho từng cấp học phù hợp với lứa tuổi học sinh như: kỹ năng phòng tránh cháy nổ và thoát hiểm hỏa hoạn, tai nạn thương tích, trải nghiệm sáng tạo steam, các kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng giải quyết vấn đề nhằm rèn luyện tư duy, cách ứng xử, cách tự giải quyết vấn đề để có thể tự tin, tự lập hơn trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
Trong giáo dục kỹ năng sống, điều quan trọng là giáo viên phải biết phối hợp cùng với phụ huynh để hướng dẫn trẻ có được những kỹ năng cần thiết tại nhà trường và gia đình. Chẳng hạn, với học sinh tiểu học, cần dạy trẻ kỹ năng tự lập. Ba mẹ cần rèn luyện tự lập cho trẻ từ những việc đơn giản nhất như: để trẻ dọn bàn ăn và tự ăn cơm, tự tắm rửa và mặc quần áo. Những việc gì trẻ có thể làm thì hãy để trẻ làm, ba mẹ không nên tranh việc của trẻ và hãy kiên nhẫn quan sát con làm. Ba mẹ chỉ nên can thiệp khi con cần giúp đỡ và chỉ làm ở mức độ hỗ trợ, chứ không phải làm thay. Bên cạnh đó, là các kỹ năng quản lý cảm xúc, kiềm chế nóng giận, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước sự xâm hại, bạo lực, hiểu về tình yêu thương và lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, tình yêu thương, sẻ chia với bạn bè và cộng đồng xã hội.
Với sự chia sẻ nhiệt tình về cách thức khoa học trong giáo dục kỹ năng sống cùng những kinh nghiệm trong việc tư vấn, giải quyết các vấn đề học đường, các giáo viên tham dự đã nhận ra rằng việc rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học và THCS đòi hỏi phải có sự nhẫn nại và sáng tạo cách thức giáo dục phù hợp lứa tuổi. Do vậy, việc tiến đến thành lập câu lạc bộ kỹ năng sống cho trẻ em trong các trường và tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng là điều vô cùng cần thiết. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với phụ huynh để hoạt động giáo dục, định hướng cho trẻ được thực hiện một cách thường xuyên, mang tính thẩm thấu để trẻ tiếp thu một cách tự nhiên và đạt hiệu quả cao nhất.