Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Thứ ba, 19 Tháng 11 2019 10:34 (GMT+7)
Thực hiện sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Trần Đề, thời gian qua cùng với sáp nhập trường, Trần Đề đang tập trung quyết liệt thực hiện việc bố trí, sắp xếp các điểm trường lẻ tập trung về trường chính để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Đầu năm học 2019 - 2020, Trường THCS Liêu Tú 1 và Trường THCS Liêu Tú 2 được sáp nhập thành Trường THCS Liêu Tú (xã Liêu Tú). Ban đầu, trường có 3 điểm phân bố ở ấp Đại Nôn, ấp Tổng Cáng và ấp Giồng Chát, so với điểm trường chính thì 2 điểm trường còn lại số lượng học sinh ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Hiện trường đã tiến hành sáp nhập và xóa điểm lẻ.

 

Điểm trường chính vừa được đầu tư xây mới có kinh phí trên 11 tỉ đồng, gồm các hạng mục: khối phòng học, khu hành chính quản trị và các phòng chức năng, cổng rào, nhà xe…

Xây dựng mới điểm chính Trường THCS Liêu Tú tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn và hướng tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: H.NHƯ

Khi đưa vào sử dụng, Trường THCS Liêu Tú còn 1 điểm chính và 1 điểm lẻ, với cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, đó cũng là tiền đề để xây dựng trường chuẩn quốc gia trong thời gian tới.

Thầy Quách Thanh Huy - Hiệu trưởng Trường THCS Liêu Tú chia sẻ: “Sau khi sáp nhập trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được sắp xếp theo hướng hợp lý, các hoạt động đoàn thể cũng phong phú hơn, chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn được nâng lên. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy thầy và trò tích cực hơn trong giảng dạy, học tập và rèn luyện”.

Để thực hiện đảm bảo việc sắp xếp mạng lưới trường lớp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề đã chủ động xây dựng và trình UBND huyện phê duyệt kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn huyện đến năm học 2020 - 2021 và định hướng đến năm 2030.

Được biết, ngành Giáo dục huyện còn triển khai việc sắp xếp mạng lưới trường lớp và thông báo đến các đơn vị trường, địa phương có liên quan đến việc thành lập mới hoặc sáp nhập, xóa điểm lẻ; phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức họp phụ huynh, tuyên truyền, vận động để phụ huynh nắm rõ ý nghĩa thiết thực, nhu cầu thực tế của việc xóa điểm lẻ, sáp nhập trường, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh, học sinh.

Trường THCS Liêu Tú (điểm cũ) còn thiếu nhiều phòng học và các phòng chức năng. Ảnh: H.NHƯ

Qua đánh giá của phòng GD-ĐT, các đơn vị trường ngay sau khi sắp xếp, sáp nhập đã ổn định và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Hầu hết các trường sau khi sáp nhập đều tập trung nâng cao công tác quản lý; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ được khắc phục tối đa; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư tập trung sẽ giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn và tham gia nhiều hoạt động tập thể; giáo viên cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy. Những thuận lợi này đã được các bậc phụ huynh học sinh nhìn nhận rõ và tích cực ủng hộ.

Nếu như năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 51 trường (gồm cả 2 trường THPT) và theo lộ trình sắp xếp đến năm học 2019 - 2020 tổng số còn 46 trường, cụ thể bậc học mầm non tăng 1 trường và giảm 16 điểm trường, tiểu học giảm 5 trường và 15 điểm lẻ, THCS giảm 1 trường và 1 điểm lẻ.

Cũng qua sắp xếp đã tinh giản được một số vị trí trong cơ cấu bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo gắn với vị trí việc làm, đảm bảo sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng giữa các cấp học, giữa các trường.

Tính đến tháng 6-2019, toàn ngành Giáo dục huyện có 1.437 cán bộ, giáo viên, nhân viên, giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn 100%. Từ nay đến cuối năm 2019, toàn ngành nỗ lực phấn đấu để được công nhận thêm 4 trường đạt chuẩn, nâng tổng số có 25/46 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 54%.

Để đạt được kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt là các địa phương lựa chọn phương án sắp xếp phải phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình, đồng thời vận dụng linh hoạt phương án sắp xếp bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh cũng như thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Ông Võ Minh Dẫn - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Trần Đề cho biết: “Thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập các trường trên địa bàn là nhờ quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành giáo dục và nhân dân địa phương cũng như sự nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô giáo và học sinh.

Khi tiến hành xóa điểm lẻ, sáp nhập trường là căn cứ vào lợi ích thiết thực, nhu cầu thực tế, số lượng học sinh/lớp, khoảng cách giữa các trường… Sau khi sáp nhập, các trường đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy, nhiều hoạt động giáo dục được tổ chức hiệu quả, thuận lợi. Qua đó, giúp cho công tác quản lý được chặt chẽ hơn, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn”.

H. Như - (baosoctrang.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III