Các em nữ sinh bày tỏ những băn khoăn về lựa chọn ngành nghề.
Theo bà Đinh Thị Kiều Nhung, chuyên gia giáo dục Quỹ Châu Á tại Việt Nam, muốn nâng cao nhận thức của toàn xã hội và phát triển nguồn nhân lực nói chung, phát triển nguồn nhân lực nữ giới nói riêng trong bối cảnh hội nhập cần có sự thay đổi nhận thức từ các em, những học sinh đang chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019-2020. Các em phải nhận thức đúng về vai trò và tiềm năng của nguồn nhân lực nữ, về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nữ.
Từ đó, nâng cao vị thế phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trong nghề nghiệp. “Mỗi em có hoàn cảnh riêng, năng lực riêng, chúng tôi không khuyên các em nên chọn ngành nào, nghề nào mà chủ yếu cung cấp thông tin về thị trường lao động. Các em có thể tự chọn cho mình một ngành, nghề phù hợp với khả năng của bản thân, khả năng của gia đình và nhu cầu của xã hội. Trên cơ sở đó, tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường”, bà Nhung chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và khởi nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đã giới thiệu đến các em nữ sinh về xu hướng thị trường lao động ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong 5 đến 10 năm tới.
Theo bà Thảo, trong bối cảnh 4.0 hiện nay, đã đặt ra cơ hội và thách thức cho các em sinh viên. Lĩnh vực công nghệ thông tin rất cần thiết. Hiện nay, số lượng sinh viên ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Cần Thơ đào tạo không đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường.
Ngoài ra, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa cho nên nhu cầu các ngành nông nghiệp thủy sản du lịch cũng cần nhiều. Do đó, các em nữ sinh có thể quan tâm đến những nhóm ngành này. Thạc sĩ Thảo chia sẻ, trước khi chọn ngành nghề các em nữ sinh xem xét kỹ, rằng mình lựa chọn công việc đó là do đam mê, năng lực của bản thân hay gia đình lựa chọn.
Còn thạc sĩ Đào Phong Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng, Trường Đại học Cần Thơ, đã giới thiệu đến các bạn nữ sinh xu hướng chọn ngành nghề của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ trong 3 năm trở lại đây. Khối ngành máy tính kỹ thuật công nghệ tăng trong 3 năm vừa qua, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên giảm.
Sau khi nghe các thầy cô tư vấn, các em nữ sinh đã mạnh dạn chia sẻ về những băn khoăn cũng như mong muốn chọn ngành nghề, công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Em Châu Ngọc Khen, học sinh Trường THPT Tân Phú, chia sẻ: “Em rất vui được tham dự buổi tọa đàm, qua đó em biết được nhu cầu thị trường lao động trong vài năm tới. Em dự định sẽ đăng ký ngành ngoại ngữ, vì ngành đó có nhiều vị trí việc làm”.
Còn em Hồ Mỹ Trân, học sinh Trường THPT Lương Tâm, cho rằng: “Buổi tọa đàm hướng nghiệp có ý nghĩa học sinh chúng em. Qua đây, em hiểu rằng mọi nam nữ đều bình đẳng trong chọn nghề nghiệp, không có nghề nào chỉ dành cho nam và nghề nào chỉ dành cho nữ. Mọi người đều bình đẳng trong chọn nghề miễn sao phù hợp với năng lực và điều kiện của gia đình. Năm nay, em dự định sẽ thi vào ngành công nghệ kỹ thuật hóa của Trường Đại học Cần Thơ”.
Thời gian qua, nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ vẫn được nhiều người nghĩ là phù hợp hơn với nam giới, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều “bóng hồng” đam mê theo học khối ngành này và đã thành công. Hiện nay, vẫn còn một số nữ sinh có tâm lý dè dặt trước khối ngành kỹ thuật, công nghệ với lý do “chân yếu tay mềm”. Để xóa dần quan niệm ấy, thời gian qua, Quỹ Châu Á đã tài trợ học bổng đại học liên quan đến các ngành như khoa học, công nghệ kỹ thuật, toán cho các nữ sinh.
“Những ngành này thường nam giới chiếm ưu thế, do đó, thông qua chương trình hỗ trợ học bổng, chúng tôi mong muốn rút ngắn khoảng cách, để làm sao phát triển thêm số lượng nữ làm trong những ngành nghề kỹ thuật công nghệ, đó cũng là giải pháp góp phần thực hiện bình đẳng giới”, bà Đinh Thị Kiều Nhung cho hay.
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)