Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2019 08:26 (GMT+7)
Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã tạo được chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo dục, nhân viên từng bước nâng dần trình độ chuyên môn, chủ động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong tình hình mới.
 
Chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQL được nâng cao
Theo ông Châu Tuấn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 và Chương trình hành động số 34 của Tỉnh ủy, chất lượng đội ngũ CBQL và giáo viên được nâng lên so với năm học 2013 - 2014, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt. Giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn 100%.
 
Trong đó, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn tăng như mầm non trên chuẩn 68,5%, vượt 18,5% chỉ tiêu; tiểu học 69,7%, vượt 19,7%; THCS 65%, vượt 25%; cao đẳng sư phạm 67,5%, vượt 37,5%. Riêng tỷ lệ giáo viên THPT có trình độ trên chuẩn chỉ đạt 13,2%, thấp hơn chỉ tiêu 1,8%. Tính đến cuối năm học 2017 - 2018, toàn ngành có 7 tiến sĩ (tăng 5), có 258 thạc sĩ (tăng 62) so với năm học 2013 - 2014.
 
Về cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục nghề nghiệp, toàn tỉnh có 178 cán bộ, công chức, viên chức quản lý dạy nghề. Trong đó, 1 tiến sĩ, 36 thạc sĩ, 115 đại học, 7 cao đẳng, 9 trung cấp chuyên nghiệp/công nhân kỹ thuật, 5 có trình độ khác. Về giáo viên giáo dục nghề nghiệp, toàn tỉnh có 358 giáo viên, trong đó có 199 giáo viên trong biên chế.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên được quan tâm triển khai thực hiện. Ảnh: Chí Bảo
Hầu hết CBQL, giáo viên yêu nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục...
 
Ngành Giáo dục tỉnh cũng đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách về đãi ngộ đối với nhà giáo và CBQL giáo dục nhằm thúc đẩy, động viên nhà giáo và CBQL toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.
 
Cụ thể, hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học để khuyến khích CBQL, giáo viên tham dự các khóa đào tạo trên chuẩn; quan tâm triển khai thực hiện tốt Nghị định số 116, Nghị định số 61 của Chính phủ, có tác động tích cực đến tinh thần cũng như cải thiện thu nhập; tạo tâm lý an tâm công tác cho đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, góp phần trong việc thu hút đội ngũ tri thức trẻ về nhận công tác ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành các quyết định về chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Hàng năm, Sở GD-ĐT tổ chức hoạt động, chương trình tri ân, tôn vinh nhà giáo có cống hiến xuất sắc, tâm huyết với ngành.
 
Đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT
Với chương trình giáo dục mầm non, việc nâng cao chất lượng được chú trọng thông qua việc xây dựng môi trường, trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương. Các cơ sở giáo dục mầm non được bồi dưỡng và tập huấn trong dịp hè. Ngoài ra, trong năm học có nhiều đợt hội giảng, báo cáo chuyên đề (cấp tỉnh, cấp huyện) để triển khai các hoạt động giáo dục ở lớp ghép, phát triển vận động, tăng cường tiếng Việt trong thực hiện chương trình…
 
Tạo cơ hội để trẻ em được chủ động, sáng tạo, tư duy tích cực trong các hoạt động. Ảnh: Chí Bảo      
Cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Đức (Long Phú) chia sẻ: “Việc đổi mới nội dung theo hướng tinh giản, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phù hợp với đối tượng học sinh được nhà trường quan tâm chỉ đạo thực hiện.
 
Kế hoạch xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được nhà trường quan tâm triển khai và thực hiện với mục tiêu tạo mọi điều kiện, cơ hội để mọi đứa trẻ được chủ động, sáng tạo, tư duy tích cực trong các hoạt động, góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng theo chuẩn chương trình giáo dục mầm non. Kết quả ban đầu có sự chuyển biến đáng khích lệ. Tuy trường ở nông thôn nhưng tỷ lệ bán trú đạt trên 54%; trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 100%. Xã được công nhận hoàn thành đạt chuẩn công tác phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi”.
 
Song song đó, ngành giáo dục chỉ đạo thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giáo dục tiểu học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; quan tâm chỉ đạo, tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn trong trường trung học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
 
Hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục ở các cấp học, bậc học; kết quả đào tạo tại các trường chuyên nghiệp được đổi mới căn bản, bảo đảm trung thực, khách quan theo hướng chú trọng đánh giá hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, phẩm chất và năng lực của học sinh... kết hợp với đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và nhận xét, góp ý của học sinh.
 
Coi trọng đánh giá để giúp đỡ, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh trong cả quá trình dạy học. Việc đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT được triển khai nghiêm túc. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện nghiêm túc, gắn chặt với trách nhiệm của các nhà trường. Qua đó, góp phần quan trọng đưa chất lượng đại trà giáo dục phổ thông nâng lên; thúc đẩy phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay, toàn tỉnh có 268 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 53,71%.
 
Ông Châu Tuấn Hồng cho biết: “Thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, vị trí và sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
 
Phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả GD-ĐT, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông, từ nay đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Điều chỉnh địa điểm và diện tích các trường ở các cấp học, bậc học phù hợp với yêu cầu phát triển.
 
Sắp xếp và hoàn thiện hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, bảo đảm cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiện toàn, củng cố tổ chức và cán bộ thanh tra giáo dục. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo nhằm phát triển nâng cao nguồn nhân lực. Đây cũng được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh…”.
Chí Bảo - (baosoctrang.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III