Những “người lái đò” cần mẫn dạy chữ, dạy người

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2019 10:38 (GMT+7)
Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang 16 năm qua đã có bước phát triển lớn mạnh cả về chất và lượng. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo đã phát huy được truyền thống tốt đẹp của người thầy, luôn tận tụy, tâm huyết với nghề, cần mẫn lái những chuyến đò tri thức dạy chữ, dạy người...
 
Thầy Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp.
Nhớ một thời ăn cơm nhà đi “gõ đầu” trẻ
Nhắc đến thầy Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, mọi người đều nhớ đến một nhà giáo tận tâm với nghề. Thầy Hải chia sẻ: “Hồi đó, đi dạy khó khăn lắm. Đồng lương không là bao, điều kiện phòng lớp rất hạn chế, bàn ghế đâu có đẹp và hiện đại như bây giờ, chỉ là bằng tre, lá. Mùa mưa nước ngập ngang đầu gối... gió tạt, mưa dột, thầy trò che vội tấm cao su để vừa dạy, vừa học”.
 
Giai đoạn đó có nhiều đồng nghiệp vì hoàn cảnh kinh tế gia đình đã phải chuyển ngành hoặc nghỉ về nhà phụ giúp gia đình, còn thầy vẫn một lòng gắn bó với nghề. Thầy thổ lộ thêm: “Lương của tôi khi đó chỉ có hơn 24.000 đồng/tháng, đâu có đủ chi tiêu. Toàn ăn cơm nhà đến “gõ đầu” trẻ thôi, nhưng mà tôi vẫn quyết gắn bó với trường lớp và học sinh. Tôi xem các em như con của mình để hết lòng dạy dỗ”.
 
Thầy Hải vào ngành giáo dục năm 1987, là giáo viên Trường THCS Vị Thanh. Đến năm 1996, thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm 2003 thầy làm Hiệu trưởng. Trong năm đó, trường bắt tay vào công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Sau mấy năm tận tâm, hết lòng vun đắp, năm 2010, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây là ngôi trường đầu tiên cấp THCS của huyện Vị Thủy được công nhận đạt chuẩn. Trường đã vinh dự 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen là đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước... Chính thầy Hải đã xây dựng thương hiệu “Dạy tốt, học tốt” cho nhà trường.
 
Thầy Hải nhớ lại: “Giai đoạn làm Hiệu trưởng ở Trường THCS Vị Thanh là nền tảng để tôi gắn bó với nghề giáo”. Từ một trường còn rất nhiều thiếu thốn: 9 phòng học tre lá tạm bợ, 3 phòng tiền chế, chỉ có 5 phòng học bán kiên cố, thì giai đoạn từ 2003 đến năm 2010, thầy làm hiệu trưởng, Trường THCS Vị Thanh đã phát triển hoàn thiện về cơ sở vật chất.
 
Với 30 phòng học kiên cố. Có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, thầy đã mạnh dạn thực hiện mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực, trường học nói không với rác”, mô hình đạt giải nhất Cuộc thi mô hình có cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp cấp tỉnh năm 2010 và được chọn nhân rộng toàn địa bàn tỉnh.
 
Năm 2011, thầy được điều động làm Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, năm này thầy vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
 
Năm 2012 thầy được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Sang năm 2013, thầy được điều động làm Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vị Thủy, năm 2015 là Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trung và tháng 5 vừa qua, thầy được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Vị Thủy. Với vai trò nào, thầy cũng luôn tranh thủ mọi sự quan tâm, hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện để đầu tư phát triển trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục...
 
Giai đoạn làm Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trung, từ một xã nghèo nhất của huyện, cơ sở hạ tầng xuống cấp, trường lớp ọp ẹp, thầy Hải đã nỗ lực phát huy sức mạnh của địa phương. Từ một xã chỉ có 1 trường đạt chuẩn, Vĩnh Trung hiện nay đã có 3 trường đạt chuẩn: THCS Vĩnh Trung, Tiểu học Vĩnh Trung 4 và Mẫu giáo Vĩnh Trung.
 
Là đầu tàu của ngành giáo dục huyện, nên trách nhiệm lớn hơn, thầy Hải thố lộ: “Tôi luôn mong mỏi, những em học sinh luôn giữ được những tình cảm tốt đẹp dành cho các thầy, cô giáo, biến những tình cảm tốt đẹp ấy thành những hành động cụ thể, hiệu quả trong học tập và rèn luyện, không ngừng phấn đấu để sau khi ra trường, mỗi em đều trở thành những công dân tốt, vừa hồng, vừa chuyên, để mỗi “chuyến đò” sang sông luôn đầy ắp tri thức, tình nghĩa, thủy chung, tinh thần nhiệt huyết”.
 
Sáng tạo liên tục để nâng cao chất lượng dạy học
Mang niềm tin vào chất lượng, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Vị Thanh, nỗ lực thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong những ngày kỷ niệm của ngành. Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, cho biết: “Để phát huy tính tự học của học sinh không gì khác hơn là phải tạo được sự hấp dẫn, thu hút học sinh trong từng bài giảng. Giáo viên vận dụng phương pháp phù hợp, đúng từng đối tượng, học sinh sẽ phát huy được kỹ năng”.
 
Cô Linh là điển hình trong thực hiện có hiệu quả nhiều phương pháp dạy học tích cực trong nhà trường, nhất là các mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy và học.
 
Cô Linh hướng dẫn học sinh sử dụng mô hình: “Sử dụng đồ dùng dạy học các môn học ở tiểu học”.
Mô hình “Sử dụng đồ dùng dạy học các môn học ở tiểu học” được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai nhân rộng trong năm học 2017-2018 và trường đang nhân rộng cho các giáo viên là một minh chứng. Cô Ngô Thị Hiền, giáo viên dạy cùng trường, chia sẻ: “Từ khi áp dụng thực hiện giảng dạy bằng bộ dụng cụ học tập của cô Linh, tôi thấy các em học sinh tích cực học tập hơn, không còn rụt rè, ngại phát biểu mà chủ động hơn”.
 
Nổi bật trong mô hình “Sử dụng đồ dùng dạy học các môn học ở tiểu học” của cô Linh là vận dụng hiệu quả cho các môn học toán từ lớp 1 đến lớp 5, tập làm văn lớp 4 trong phần luyện từ, môn mỹ thuật, môn tự nhiên xã hội... Hơn 24 năm gắn bó với nghề, cô Linh nhận 2 bằng khen của UBND tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền... Các mô hình cô thực hiện như: “Chiếc hộp đa năng”, đạt giải nhì Hội thi giáo viên, học sinh tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học năm học 2014-2015; mô hình “Chiếc bảng đa năng”, đạt giải nhì cấp tỉnh năm học 2015-2016 và mới đây là mô hình “Quyển sách diệu kỳ”... đã phát huy tính ham học của học sinh.
 
Không riêng gì cô Linh, những thầy, cô giáo đứng trên bục giảng vẫn ngày ngày phát huy tinh thần sáng tạo trong dạy học, tất cả là vì học sinh thân yêu…
 
Tất cả vì học sinh thân yêu !
Sau gần 16 năm với sự nghiệp “trồng người”, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn để mang về nhiều thành tích nổi bật. Trong đó, điểm nhấn năm 2019 là tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, trở thành tỉnh thứ 16 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, là tỉnh đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long có vinh dự này.
 
Toàn tỉnh có 221/331 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,77%, tăng hơn 5% tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia so với cuối năm 2018, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên vượt chuẩn tăng cao. Toàn ngành có 93 nhà giáo ưu tú.
 
Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Khi tỉnh mới thành lập, có 8.633 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chỉ chiếm hơn 79%, giáo viên trên chuẩn chỉ có 15,24%, chỉ có 12 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, đó là con số của quá khứ. Hiện nay chất lượng đội ngũ nhà giáo đã được khẳng định. Đủ về lượng, mạnh về chất”.
 
 Giải pháp then chốt của ngành chính là bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên. Hàng năm, nhiều thầy, cô giáo đã được tham gia tập huấn và triển khai có hiệu quả chương trình bồi dưỡng các cấp học theo yêu cầu của bộ, sở. Ngoài ra, giáo viên tích cực tham gia giao lưu, thi giáo viên giỏi các cấp, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học… Từ sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng lên vượt trội. 
 
Trong năm học 2018-2019, ngành giáo dục và đào tạo đã bồi dưỡng chuyên môn cho hơn 10.020 giáo viên, tổ chức tập huấn 67 chuyên đề cho các cấp học. Riêng từ tháng 6 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã mở được hơn 15 lớp bồi dưỡng cho hơn 5.000 giáo viên trên địa bàn tỉnh… Việc bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên, đã góp phần tạo cho giáo viên một nền tảng kiến thức sâu rộng hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
 
Những ngày này, không khí học tập của trường rất nhộn nhịp, vui tươi. Các em tích cực học tập dành tặng những bông hoa điểm mười cho thầy cô. Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, góp phần bồi dưỡng, vun đắp, khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của học sinh, giúp các em trở thành những con người có đạo đức, tri thức, sức khỏe, xứng đáng là thế hệ tương lai của đất nước.
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III