Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận của giáo dục toàn diện, cung cấp cho học sinh những thông tin về thị trường lao động, về tính chất của các ngành nghề trong xã hội. Nội dung chủ yếu của giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT là: Giáo dục thái độ lao động và ý thức đúng đắn về nghề nghiệp; tổ chức cho học sinh thực tập và làm quen với một số nghề chủ yếu trong xã hội và các nghề truyền thống của địa phương; tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất; đồng thời, động viên, hướng dẫn học sinh đi vào những nghề, những nội dung cần lao động trẻ tuổi có văn hóa.
Trên cơ sở hiểu biết này và hoàn cảnh, năng lực, sở trường, sức khỏe của bản thân học sinh để lựa chọn nghề.
Giáo dục hướng nghiệp nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng đi vào các ngành nghề mà đất nước hay ở từng địa phương đang cần. Ảnh: Đỗ Hiên
Hiện nay, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông được thực hiện thông qua các môn khoa học cơ bản; chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa; môn công nghệ và lao động sản xuất; tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp. Song, dù bằng hình thức nào cũng đều hướng tới mục đích chung là hình thành sự hứng thú, khuynh hướng và năng lực nghề cho học sinh. Trên cơ sở đó mà thực hiện kế hoạch, định hướng phân luồng học sinh tại các trường THPT. Có thể nói, hướng nghiệp để phân luồng học sinh sau trung học là chìa khóa quan trọng đưa nước ta ngày càng phát triển vững mạnh.
Những năm qua, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học đã được nhà trường, xã hội quan tâm và đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học (cả trung học cơ sở (THCS) và THPT) vẫn mang nặng tính tự phát, hình thức và chưa thiết thực.
Mục đích của học tập chủ yếu của học sinh là để vượt qua các kỳ thi, học như một quán tính, hết bậc tiểu học thì lên THCS, rồi THPT, vào đại học, thậm chí sau đại học. Thực tế những năm gần đây cho thấy, theo thống kê của ngành giáo dục - đào tạo, hàng năm có trên 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT (và tỷ lệ này ngày càng tăng, có năm trên 90%); số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học bổ túc THPT và trung cấp nghề (TCN) chiếm tỷ lệ rất thấp.
Cụ thể như tại Sóc Trăng, năm học 2017 - 2018, sau khi tốt nghiệp THCS, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 là 77,60%, học sinh học TCN chỉ 3,63% và học sinh học nghề tại địa phương là 4,12%, học sinh không đi học là 14,65%. Đối với học sinh tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp là 45,43%, học sinh học nghề tại địa phương là 3,74%, học sinh không đi học tiếp là 50,83%. Mặt khác, đối với học sinh tốt nghiệp THPT, việc học trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ là lựa chọn cuối cùng sau khi không có cơ hội vào đại học. Điều này vừa làm tăng áp lực thi cử cho các nhà trường và cho học sinh, vừa lãng phí thời gian, tiền của của phụ huynh và học sinh, vừa lãng phí nguồn nhân lực xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: đa số phụ huynh đều tha thiết muốn con em mình phải thi vào đại học; nhận thức của bản thân học sinh, gia đình trong việc lựa chọn nghề nghiệp còn theo cảm tính hoặc thích chọn các nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền… mà không cần biết có phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú, điều kiện bản thân và nhu cầu của thị trường lao động hay không. Ban giám hiệu các trường THPT còn lúng túng trong công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh.
Giáo viên đảm nhận công tác hướng nghiệp ở các trường THPT hiện nay vừa thiếu biên chế, nên đa số giáo viên phụ trách hướng nghiệp là giáo viên chủ nhiệm hay bộ môn của trường. Việc phân bổ thời lượng cho giáo dục hướng nghiệp còn ít, thậm chí bị cắt giảm, hoặc kết hợp vào nội dung của môn học khác nên học sinh không thích hướng nghiệp. Mặt khác, chất lượng đào tạo nghề nghiệp của một số trường trung cấp, cao đẳng nghề còn hạn chế; nhiều học sinh tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề khi được tuyển dụng lại phải đưa đi đào tạo bổ sung hoặc chưa tìm được việc làm, hoặc làm việc không phù hợp.
Điều này dẫn đến hệ quả là các trường trung cấp, cao đẳng nghề của các tỉnh, dù được đầu tư tương đối hiện đại, có nhiều chính sách ưu đãi cho học sinh nhưng lại không tuyển sinh được; nhiều nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp rất cần người có kỹ năng nghề nghiệp ở bậc nghề, trung cấp chuyên nghiệp nhưng lại không có nguồn… Tất cả những điều nói trên không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của học sinh mà còn gây lãng phí thời gian của các em và tài chính của gia đình.
Để khắc phục tình hình trên, ngày 14-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” (gọi tắt là Đề án 522).
Theo đó, đề án xác định mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS và ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025, tỷ lệ tương ứng sẽ là 40% và 45%. Đề án 522 cũng đưa ra hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, kinh phí và lộ trình thực hiện Đề án 522.
Quang cảnh buổi tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh tại Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh H.Như
Quán triệt và cụ thể hóa Đề án 522 trên địa bàn tỉnh, ngày 17-4-2019, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND. Việc ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND của UBND tỉnh là rất quan trọng và cần thiết nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các trường THPT ở tỉnh, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Để phân luồng học sinh sau THCS và THPT được tốt theo mục tiêu của Đề án 522 và Kế hoạch số 61/KH-UBND của UBND tỉnh xác định, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, việc đầu tiên là phải làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội, của phụ huynh và học sinh về mục đích của việc học tập. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, mà trực tiếp là của ngành giáo dục - đào tạo, của hệ thống các trường THPT.
Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin cho mọi người về giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức và biện pháp phù hợp với từng đối tượng để mọi người có nhận thức đầy đủ về hướng nghiệp, từ đó hình thành cho các em học sinh ý tưởng nghề nghiệp để vào đời, ý thức tôn trọng giá trị con người và giá trị sống.
Thực hiện đa dạng hóa các mối quan hệ liên kết giữa trường THPT với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài địa bàn để phối hợp thực hiện các hoạt động giáo dục hướng nghiệp có hiệu quả. Các địa phương cần có danh sách các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hướng nghiệp với vai trò mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp. Riêng đối với các trường THPT thiết nghĩ cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc chương trình, giáo trình hướng nghiệp đã quy định, qua đó giúp các em học sinh làm quen với những nghề cơ bản trong xã hội, những nghề có vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân, những nghề cần thiết phải phát triển ở ngay địa phương mình. Nhiệm vụ này được thể hiện trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường. Từ sự làm quen này, sẽ giúp cho các em học sinh trả lời câu hỏi: trong giai đoạn hiện nay, những nghề nào đang cần phát triển nhất; thái độ đối với nghề như thế nào là đúng v.v... Qua đó hình thành ở học sinh những biểu tượng đúng đắn về những nghề cần phát triển.
Thứ hai, giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp phải nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ của mình qua từng tiết giảng, qua đó, giáo viên hướng nghiệp hướng dẫn, phát triển hứng thú nghề nghiệp của học sinh. Trong quá trình tìm hiểu nghề, ở học sinh sẽ xuất hiện và phát triển hứng thú nghề nghiệp. Em học sinh này thích nông nghiệp, em khác thích công nghiệp, có em lại chỉ chú ý đến nghệ thuật v.v... Người làm hướng nghiệp sẽ hướng dẫn sự phát triển hứng thú của các em trên cơ sở phân tích những đặc điểm, những điều kiện, những hoàn cảnh riêng của từng em một.
Thứ ba, qua giáo dục hướng nghiệp, giáo viên giúp học sinh hình thành năng lực nghề nghiệp tương ứng. Người ta chỉ có thể yên tâm sống lâu dài với nghề nếu họ có năng lực chuyên môn thực sự, đóng góp được sức lực, trí tuệ một cách hữu hiệu với nghề của mình. Xét đến cùng, ai cũng muốn có năng suất lao động cao, có uy tín trong lao động nghề nghiệp. Mặt khác, nghề nghiệp cũng không chấp nhận những người thiếu năng lực. Vì vậy, trong quá trình hướng nghiệp, phải tạo điều kiện sao cho học sinh hình thành năng lực tương ứng với hứng thú nghề nghiệp đã có.
Thứ tư, qua giáo dục hướng nghiệp, giáo viên giáo dục cho học sinh thái độ lao động, ý thức tôn trọng người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau, ý thức tiết kiệm và bảo vệ của công… Đây là những phẩm chất nhân cách không thể thiếu ở người lao động trong xã hội của chúng ta. Có thể coi đây là nhiệm vụ giáo dục đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, là nhiệm vụ chủ yếu đối với thế hệ trẻ. Cùng với các nhiệm vụ trên, nhiệm vụ này góp phần vào việc làm cho những phẩm chất, nhân cách của người lao động được hài hòa và cân đối.
Như vậy, hướng nghiệp có mục đích cơ bản là hướng dẫn và chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng đi vào các ngành nghề mà đất nước hay ở từng địa phương đang cần. Thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp sẽ góp phần quan trọng cho phân luồng học sinh sau THCS và THPT, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước, thiết thực thực hiện mục tiêu Đề án 522 và Kế hoạch số 61/KH-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng đề ra.
Kiên Trung - (baosoctrang.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)