Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khoảng 650 tấn/ngày, trong số đó có nhiều lượng rác thải nhựa thải ra môi trường. Việc giảm thiểu ô nhiễm và tác hại do rác thải nhựa gây ra đang trở thành vấn đề bức thiết của cả cộng đồng.
Từ kinh phí hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường là 100 triệu đồng, Tỉnh đoàn đã triển khai thực hiện 10 mô hình ngôi nhà thu gom rác thải nhựa được lắp đặt trong trường học, trong đó có 5 mô hình được xây dựng tại các điểm trường của xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) và 5 mô hình được xây dựng tại các điểm trường ở TX. Vĩnh Châu.
Các em học sinh hào hứng đem chai nhựa sau sử dụng bỏ vào "Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa" trong trường học. Ảnh: QUỐC KHA
Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng "Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa" trong trường học với diện tích 2m² đang đem lại hiệu quả thiết thực, thu hút nhiều em học sinh hưởng ứng tham gia. Em Nguyễn Thiện Thanh, học sinh lớp 7A2, Trường THCS Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) hào hứng: “Em thấy mô hình này có nhiều lợi ích trong việc bảo vệ môi trường nên em và các bạn cùng thu gom chai nhựa sau sử dụng để bỏ vào ngôi nhà, số lượng chai nhựa này sẽ được bán ve chai để gây quỹ cho lớp chúng em thực hiện kế hoạch nhỏ”.
Với mô hình "Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa" trong trường học thì việc bỏ rác đúng chỗ đã trở thành thói quen đối với các em học sinh hơn, khuôn viên trường cũng vì vậy ngày càng đẹp hơn do có nơi tập kết rác mà không lo mưa nắng. Đồng chí Đặng Tấn Giang – Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Mô hình này vừa có ý nghĩa giáo dục cho các em học sinh trong việc phân loại rác thải để bảo vệ môi trường vừa giúp các em học sinh có ý thức tiết kiệm nhằm gây quỹ thực hiện các hoạt động bổ ích trong học đường. Năm tới, nếu được hỗ trợ kinh phí, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện mô hình, góp phần bảo vệ môi trường”.
Ưu điểm tiện dụng, giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa như: vỏ hộp nhựa, ly nhựa, túi ni lông... đã và đang được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, chất thải từ các vật liệu nhựa sử dụng một lần khi không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy ngoài môi trường tự nhiên. Nguy hiểm hơn, chất thải nhựa còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo, Tỉnh đoàn đã có cách làm hay trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các em học sinh trong việc xử lý rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh – sạch – đẹp.
Quốc Kha - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)