Hệ thống Trường tư thục chất lượng cao Mầm non và Tiểu học Ngôi Sao: Giáo dục giúp trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội

Thứ năm, 02 Tháng 1 2020 10:28 (GMT+7)
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời. Trẻ mắc chứng tự kỷ ít có sự giao tiếp, tương tác xã hội nên các mối quan hệ và các mặt tâm lý và xã hội đều hạn chế. Ở hệ thống Trường tư thục chất lượng cao Mầm non và Tiểu học (gọi tắt là Hệ thống trường Ngôi Sao), đội ngũ cố vấn chuyên môn, giáo viên luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần, từng bước giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.
Các trẻ tự kỷ sẽ tiến bộ hơn khi có điều kiện hòa nhập môi trường học tập với bạn bè đồng trang lứa. Trong ảnh:  Giờ học tiếng Anh ở Trường Mầm non và Tiểu học Ngôi Sao 2 (phường Hưng Phú, quận Cái Răng).
 
Cần sự gắn kết của gia đình
 
Anh Vương Tấn Minh Khoa, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần MK - Chủ đầu tư Hệ thống trường Ngôi Sao, cho biết: “Là cơ sở giáo dục “hiếm hoi” của vùng ĐBSCL có mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ, Trung tâm giáo dục trẻ chuyên biệt (TTGDTCB) Ngôi Sao, hiện có 270 trẻ tự kỷ đang học tập với khung chương trình được thiết kế phù hợp từng lứa tuổi”.
 
Bén duyên với nghề dạy trẻ tự kỷ, ông Bùi Văn Vuông, cố vấn chuyên môn TTGDTCB Ngôi Sao kể, một lần tình cờ vào năm 2011, khi đang kiểm tra các lớp học trong trường, ông gặp cháu bé ngồi riêng một góc phòng, hỏi thì không trả lời. Ban đầu, ông tưởng cháu bị điếc nhưng qua tìm hiểu, ông biết được cháu rất ít giao tiếp với bạn bè, thường chơi một mình. Sau khi phụ huynh đưa cháu lên TP Hồ Chí Minh gặp các chuyên gia tâm lý thì biết được cháu bị tự kỷ. Sau đó, phụ huynh gửi con đến nhiều trường học nhưng thời điểm đó, các trường chưa có mô hình giáo dục trẻ tự kỷ. Với tấm lòng của một nhà giáo từng là Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Cần Thơ (cũ), ông đã lên kế hoạch nhận giáo dục trẻ tự kỷ. Đối với trẻ tự kỷ, các em thường có biểu hiện tăng động, chậm nói hoặc chậm phát triển trí tuệ, vì vậy cần thiết phải thiết kế chương trình giảng dạy sao cho khoa học và phù hợp. Hằng năm, ông Bùi Văn Vuông và bà Ngô Thị Thảnh, cố vấn chuyên môn của TTGDTCB Ngôi Sao đã đi nhiều nước, như: Mỹ, Canada và nhiều nơi ở trong nước để tìm hiểu mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ, từ đó thiết kế khung chương trình học tập phù hợp cho từng lứa tuổi. Bà Ngô Thị Thảnh, cố vấn chuyên môn, chia sẻ: “Đối với mỗi học sinh, trường đều có kế hoạch giáo dục cá nhân, tập trung giáo dục ngôn ngữ, giác quan, can thiệp hành vi, đồng thời mát-xa trị liệu với mục tiêu giúp trẻ phát triển tri thức xã hội lẫn thể chất, tinh thần”. Theo bà Thảnh, để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng tốt hơn thì cần thiết phải có sự liên hệ mật thiết giữa phụ huynh và nhà trường về phương pháp và hướng tác động phù hợp với trẻ. “Trước khi rước trẻ về, chúng tôi khuyến nghị các phụ huynh thực hiện các phương pháp giáo dục tại gia đình, có phụ huynh làm tốt, nhưng cũng có trường hợp chưa quan tâm đúng mức nên gây khó khăn trong công tác giáo dục trẻ” - bà Thảnh tâm sự.
 
Đổi mới phương pháp dạy học
 
Giờ học tiếng Anh ở Trường Mầm non và Tiểu học Ngôi Sao 2 (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) khá sôi nổi khi nhiều học sinh cùng tham gia trò chơi gọi tên các con vật bằng tiếng Anh. Việc đưa tiếng Anh vào chương trình giáo dục tại Hệ thống trường Ngôi Sao do Hệ thống Học viện Anh ngữ CELA (TP Cần Thơ) triển khai thực hiện nhằm giúp các em phát triển kỹ năng ngôn ngữ, rèn kỹ năng hội nhập. Em P.T.N.A (9 tuổi) hiện đang học lớp 2, sôi nổi trả lời những bài tập tiếng Anh do giáo viên hướng dẫn. N.A khá hoạt bát, chủ động tham gia các hoạt động nhóm trong lớp học. Em là một trong những trẻ tự kỷ được giáo dục thành công, nay đã hòa nhập và có nhiều tiến bộ trong học tập. Chia sẻ về ước mơ tương lai, cô học trò nhỏ cười tươi cho biết sẽ nỗ lực để trở thành ca sĩ nổi tiếng.
 
Hiện TTGDTCB có 14 lớp học dành cho trẻ tự kỷ, trẻ được giáo dục theo mô hình hòa nhập cộng đồng. Cứ mỗi 4 hoặc 6 tháng, trẻ được đánh giá theo bộ khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trung tâm có 64 giáo viên cấp tiểu học và mầm non được đào tạo, tập huấn giáo dục dành cho trẻ tự kỷ; mỗi giáo viên thường phụ trách từ 3 đến 4 học sinh. Trong giáo dục trẻ tự kỷ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, vì vậy HTGD Ngôi Sao thường xuyên phối hợp với Mạng lưới tự kỷ Việt Nam tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực phụ huynh có con tự kỷ và năng lực người tự kỷ, truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng về tự kỷ, vận động chính sách cũng như liên kết thực hiện các chương trình, dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng tự kỷ.
 
Trẻ tự kỷ được giáo viên áp dụng chương trình học tập riêng để phát triển tri thức xã hội.
 
Tuy vậy, các chuyên gia vẫn nhìn nhận lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỷ vẫn còn nhiều rào cản, sự đón nhận trẻ tự kỷ vào cộng đồng còn nhiều hạn chế. “Nhiều người vẫn chưa hiểu biết nhiều về tự kỷ nên khó chấp nhận các hành vi bất thường của trẻ. Trong khi trẻ tự kỷ lại rất nhạy cảm, dễ thu mình, do đó điều quan trọng là cộng đồng và xã hội phải có sự cảm thông và chia sẻ” - ông Bùi Văn Vuông tâm sự.
 
Quý phụ huynh có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ có thể liên hệ đặt lịch hẹn qua số điện thoại: 02926 251 251.
 
Bài, ảnh: QUỐC THÁI - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III