Học sinh Trường THCS Trương Tấn Lập tích cực và chủ động hơn trong học tập nhờ mô hình VNEN.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh
Tại Trường THCS Trương Tấn Lập, huyện Long Mỹ, giờ học toán theo mô hình VNEN của thầy và trò rất hấp dẫn. Các em học sinh được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm có 5-6 học sinh ngồi vòng tròn để thảo luận và tìm ra cách giải nhanh nhất cho từng đề toán. Em Nguyễn Thị Huyền Trân, học sinh lớp 9A2, hào hứng chia sẻ: “Giờ học toán của chúng em rất thú vị, rất nhẹ nhàng, thoải mái. Thầy hướng dẫn rất nhiều cách giải toán cho chúng em, mỗi bạn sẽ tùy vào khả năng của mình để đưa cách giải phù hợp, nhanh, chính xác. Tổ nào nhanh được thưởng một bông hoa mặt cười. Em thấy học toán dễ dàng, không quá khó và khô, không còn quá sợ nữa”.
Trường THCS Trương Tấn Lập được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn thực hiện thí điểm đầu tiên vào năm học 2015-2016, với 1 lớp 6, có 28 học sinh theo học). Sau 4 năm, kết thúc năm học 2018-2019, có 100% học sinh lớp học thí điểm hoàn thành chương trình học, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 là 100%. Bà Nguyễn Thị Kiều Nương, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Tấn Lập, cho biết: “Ưu điểm của mô hình VNEN đã được khẳng định khi thái độ học tập của học sinh đã có nhiều chuyển biến. So với học sinh các lớp khác, học sinh học mô hình VNEN có khả năng trình bày, nói trước đám đông tốt hơn. Đặc biệt, các em luôn mạnh dạn tự tin trong thảo luận, trao đổi với giáo viên. Điều đó, làm cho chúng tôi mừng lắm. Trường đang tiếp tục thực hiện mô hình tại lớp 9A2, với 23 học sinh đang theo học”. Nhờ thực hiện mô hình VNEN, Trường THCS Trương Tấn Lập, thuộc địa bàn vùng sâu, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng dạy và học luôn được xếp thứ hạng cao trong huyện. Thầy Lê Thanh Phong, giáo viên dạy toán của trường, bộc bạch: “Nhờ dạy lớp học VNEN mà phương pháp giảng dạy, ra đề kiểm tra... của tôi có nhiều đổi mới. Giáo viên chúng tôi chủ động hơn trong việc hỗ trợ học sinh học tập. Điểm quan trọng là người thầy chỉ là người hướng dẫn, định hướng học sinh. Nhờ đó, học sinh phát huy tốt khả năng tự học, tự nghiên cứu và trình bày vấn đề”.
Nhân rộng hiệu quả mô hình
Cùng với Trường THCS Trương Tấn Lập, hiện tại toàn tỉnh có 3 trường đang được nhân rộng mô hình VNEN cấp THCS là Trường THCS Thuận Hưng (huyện Long Mỹ), Trường THCS Trà Lồng và Trường THCS Trịnh Văn Thì (thị xã Long Mỹ). Các trường này đều nhân rộng từ năm học 2016-2017. Bà Lương Thị Hồng Đào, Hiệu trưởng Trường THCS Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Thực tiễn cho thấy, mô hình dạy học truyền thống nặng về truyền thụ kiến thức, còn VNEN khắc phục nhược điểm này, đảm bảo sự hài hòa giữa dạy chữ và dạy làm người. Vì thế, chúng tôi đăng ký nhân rộng mô hình. Đây cũng là giải pháp nhà trường tập trung vào đổi mới toàn diện, có tính hệ thống, bao gồm đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, cách thức tổ chức quản lý lớp học, quản lý nhà trường và đổi mới cả cách tham gia của cha mẹ học sinh, cộng đồng trong việc tổ chức hoạt động dạy học”. Từ 1 lớp chọn thí điểm là lớp 9A1, với 27 học sinh, các giáo viên của trường tùy theo điều kiện thực tế của lớp đã tự đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, gợi mở các vấn để để học sinh tự tin trong học tập.
Ông Võ Thiện Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã, cho hay: “Với mục tiêu lấy “hoạt động học” làm trung tâm, nên giáo viên không giảng giải, không truyền thụ kiến thức một chiều cho cả lớp nghe. Trong lớp, thầy cô hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm và tập trung theo dõi các em để kịp thời hỗ trợ khi các em gặp khó khăn. Hình thức tổ chức lớp học cũng thay đổi căn bản. Tôi thấy đây là mô hình hay, hiệu quả phù hợp với điều kiện học tập hiện nay”.
Thực hiện mô hình VNEN, trong mỗi bài học các em học sinh cần đảm bảo 5 hoạt động cơ bản sau: hoạt động khởi động, hoạt động hình thành kiến thức, hoạt động luyện tập, hoạt động vận dụng và hoạt động tìm tòi mở rộng. Em Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 9A1 của Trường THCS Trà Lồng, thổ lộ: “Học theo mô hình VNEN lớp em được trang trí đẹp hơn, chúng em thích đến trường. Nhất là học theo phương pháp mới, em thấy dễ hiểu bài. Em không còn rụt rè như trước nữa mà mạnh dạn hơn trong những lần phát biểu bài. Có chỗ nào không hiểu chỉ cần em giơ bảng tín hiệu lên là sẽ có các bạn ở nhóm khác sẽ hỗ trợ, em thấy tình cảm bạn bè cũng gần gũi hơn”.
Mô hình VNEN được đánh giá cao, bởi tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi, mô hình còn sử dụng các công cụ như góc học tập, góc cộng đồng, thư viện lớp học, các hộp thư “Điều em muốn nói”, “Hộp thư bè bạn”… để bổ trợ kiến thức cho học sinh, trang trí lớp học, thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh… Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Sau hơn 4 năm triển khai dạy học theo mô hình VNEN tại 4 trường THCS trong tỉnh cho thấy mô hình trường học kiểu mới có nhiều tín hiệu tích cực. Học sinh chủ động, tự tin nắm bắt kiến thức, nâng cao kỹ năng sống… Sở luôn quan tâm, chỉ đạo và tham mưu các cấp đầu tư giúp các trường có mong muốn đáp ứng yêu cầu triển khai VNEN. Thực tế cho thấy, chương trình, cách dạy của chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm tương đồng với mô hình VNEN, trường nào đã triển khai VNEN sẽ có những thuận lợi nhất định”.
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)