Giáo viên Trường Phổ thông Thái Bình Dương dạy học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ học.
Cơ sở ngoại ngữ: Khó về tài chính
Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ VATC Cần Thơ quy mô khoảng 1.800 học viên và 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trung tâm phải dừng dạy học để phòng tránh dịch COVID-19, khiến đơn vị gặp khó khăn, nhất là nguồn tài chính. Học viên nghỉ học nhưng đơn vị phải đảm bảo trả lương cho đội ngũ, giáo giảng và chi trả các khoản thuê mặt bằng, đóng bảo hiểm xã hội… Cơ sở hoạt động của trung tâm hiện đang thuê 2 tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo (quận Ninh Kiều).
Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ VATC Cần Thơ Nguyễn Phương Quang cho biết: “Gần 3 tháng không có nguồn thu vì học viên nghỉ học, song trung tâm phải chi khoảng 1 tỉ đồng/tháng để trả các khoản chi phí của đơn vị. Do tình hình chung, các đơn vị ngoài công lập đều bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, nên chúng tôi động viên tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt”. Bên cạnh Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ VATC Cần Thơ, còn có khoảng 2.700 học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Việt Mỹ phải tạm nghỉ học, lãnh đạo trường vẫn gồng gánh lo đời sống cho cán bộ, giảng viên nhà trường.
Là một trong số chi nhánh của hệ thống Toán trí tuệ Geniuskid cả nước, Trung tâm Toán trí tuệ Geniuskid Cần Thơ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đây là cơ sở dạy toán trí tuệ dành cho trẻ em từ 4-12 tuổi và tiếng Anh cho học sinh. 3 tháng qua, cơ sở ở Cần Thơ ngừng hoạt động dạy và học nhưng phải chi bình quân khoảng 120 triệu đồng để duy trì đơn vị. Bà Nguyễn Hoàng Uyên, đại diện Trung tâm Toán trí tuệ Geniuskid Cần Thơ, cho biết: “Áp lực lớn nhất của đơn vị duy trì nguồn tài chính trả lương cho giáo viên, nhất là giáo viên nước ngoài. Nếu tình hình này kéo dài, cơ sở giáo dục tư nhân không biết xoay xở ra sao”. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, học viên nghỉ học, trung tâm vẫn chi trả lại khoản học phí đã đóng (khoảng 200 triệu đồng) cho phụ huynh. Khó là vậy nhưng trung tâm cố gắng duy trì hoạt động qua hình thức giảng dạy tiếng Anh trực tuyến (miễn phí) cho học sinh trong thời gian ở nhà. Định kỳ 3 ngày/tuần, học sinh tương tác với giáo viên qua trang mạng xã hội. “Chúng tôi đề ra chương trình “Cùng con vượt qua thử thách” vừa giúp giáo viên có thể tìm niềm vui, vừa đồng hành cùng phụ huynh, học sinh trong thời gian tạm nghỉ học”, bà Uyên chia sẻ.
Trường học, nhóm trẻ: Oằn mình vượt khó
Trường Phổ thông Thái Bình Dương (đường Trần Phú), trường phổ thông quốc tế đầu tiên của TP Cần Thơ và ĐBSCL, tuy không phải thuê mướn cơ sở hoạt động nhưng cũng đang oằn mình vượt khó. Hiện trường có 540 học sinh từ tiểu học đến THPT, với 54 giáo viên. Từ sau Tết Nguyên đán, học sinh (trừ học sinh THPT học 3 tuần) nghỉ đến nay để phòng tránh dịch. Dù nghỉ dạy nhưng trường vẫn phải đảm bảo nguồn chi lương đến thầy cô giáo, nhất là giáo viên nước ngoài. Đó là chưa kể chi phí nâng cấp đường truyền mạng internet để tổ chức giảng dạy trực tuyến đạt hiệu quả. Thầy Lê Viết Minh Triết, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình Dương, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, trường triển khai thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh; đồng thời thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học như vệ sinh, phun xịt…; kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở đeo khẩu trang khi phụ huynh, học sinh đến trường và tất cả người đến liên hệ công tác.
Trường phổ thông ngoài công lập đã khó, các nhóm trẻ tư thục càng chật vật hơn vì dịch bệnh. Đơn cử như Nhóm trẻ Mầm non Ngọc Lan (đường Nguyễn Văn Linh), 70 trẻ cùng 9 nhân sự phải tạm nghỉ từ sau Tết Nguyên đán. Giáo viên được trả lương tháng 2-2020; nhưng tháng 3 chỉ được hỗ trợ đóng bảo hiểm. Cô Ngọc Lan, chủ nhóm trẻ, cho biết: “Chúng tôi lo nhất là thời gian nghỉ quá lâu sẽ khó giữ chân các cô. Khi đi học trở lại thì chắc chỉ khoảng 70% trẻ đến lớp học”. Dù vậy, tập thể giáo viên Nhóm trẻ Mầm non Ngọc Lan liên hệ thường xuyên với phụ huynh để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian tạm nghỉ, giáo viên thực hiện tổng vệ sinh lớp học, rửa đồ chơi bằng cloramin B. Nhóm trẻ trang bị thêm nhiệt kế hồng ngoại, nước rửa tay khô,… để đón trẻ khi nhập học.
Cần sự hỗ trợ
Theo đại diện các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không riêng lĩnh vực giáo dục mà các lĩnh vực khác đều chung cảnh khó khăn, trong khi nguồn lực của Nhà nước có giới hạn. Thế nhưng, giáo dục - đào tạo là lĩnh vực đặc thù, tác động nhiều đến xã hội, cần sự chung tay hỗ trợ từ nhiều phía. Theo thầy Lê Viết Minh Triết, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình Dương, trước mắt, trường sẽ thực hiện tất cả biện pháp để ổn định đời sống cán bộ, giáo viên; động viên thầy cô giáo thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. “Tuy vậy, trường mong muốn phụ huynh học sinh hiểu và đồng hành cùng nhà trường vượt khó, cũng như quản lý nhắc nhở học sinh tự học tại nhà”, thầy Triết nói.
Theo ông Nguyễn Phương Quang, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ VATC Cần Thơ, cả nước có khoảng 4.000 trung tâm. Bình quân mỗi trung tâm khoảng 20 nhân sự. Nếu tính từ tháng 1 đến tháng 3, trung tâm ngưng hoạt động, nguồn thu thất thoát khoảng 8.000 tỉ đồng. Tình trạng kéo dài khó tránh trường hợp doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc… Vì thế, ông Quang cho rằng, các cơ sở ngoài công lập rất cần hỗ trợ của Nhà nước về thuế, giãn thời gian thu bảo hiểm xã hội hoặc nguồn vay hỗ trợ cho đơn vị vượt khó khăn trong thời gian này.
Bài, ảnh: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)