Phân vân đánh giá chất lượng học sinh

Thứ ba, 07 Tháng 4 2020 10:15 (GMT+7)
Nhiều phụ huynh và cả giáo viên phân vân về việc đánh giá chất lượng học sinh như thế nào một cách đúng thực tế và thực chất, khi thời gian nghỉ học tiếp tục kéo dài.
Lo nhất là học sinh lớp 1, vì mới biết đọc, biết viết cơ bản đã nghỉ học dài, nay lại tinh giản, nhiều người sợ các em bị hổng kiến thức nền.
 
Cố gắng duy trì việc học ở tất cả các cấp học
 
Theo thông lệ những năm trước, các đợt kiểm tra chất lượng học kỳ II đã sắp đến, nhưng học sinh chỉ mới học được vài tuần của chương trình đã phải nghỉ học phòng dịch đến giờ. Sau ngày 15-4, việc đi học có trở lại bình thường không? Điều này vẫn chưa biết được.
 
Em Trần Đức Trí, học sinh lớp 12AV, Trường THPT chuyên Vị Thanh, chia sẻ: “Em lên kế hoạch học tập khoa học, lập thời gian biểu cụ thể, rõ ràng cho các buổi học online theo từng môn. Thời gian nghỉ học phòng chống dịch có lẽ sẽ kéo dài, bản thân mình phải chủ động học tập, tự học, tự làm thêm nhiều bài tập, trao đổi qua mạng với giáo viên phần nào chưa hiểu là cách học hiệu quả nhất”. Đây là cách em Trí trang bị kiến thức để tự tin hơn với ước mơ đậu ngành quan hệ quốc tế.
 
Trong thời gian nghỉ học phòng dịch, Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thành phố Ngã Bảy, đã quay hình giáo viên giảng dạy ở các bộ môn. Những video bài giảng, bài giảng E-learning quan trọng, trường đưa lên website của trường để tất cả học sinh xem lại và ôn học trong thời gian tạm nghỉ học tại nhà. Bên cạnh đó, là dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, qua các trang web uy tín, group zalo... Thầy Hứa Thanh Long, giáo viên dạy môn hóa học, Trường THPT Nguyễn Minh Quang, cho biết: “Với hình thức này đã tăng cường được tính tự học của học sinh. Giáo viên chủ động tương tác cùng học sinh. Đây là cách học khá hiệu quả”.
 
Với những học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến, nhà trường soạn, photo và giao tài liệu học tập, tổ chức cho học sinh tham gia học nhóm nhỏ dưới hình thức trực tuyến. Bà Mai Hồng Thắm, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Tây 1, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Nhà trường photo bài tập toán, tiếng Việt rồi thông báo để phụ huynh đến trường mang về cho con, cháu làm, quy định rõ thời gian nộp bài. Tuy có hơi tốn thời gian đi đến trường nhưng do ba mẹ cháu đi làm ăn xa, tôi thì không rành về học online nên đây cũng là giải pháp phù hợp để cháu ôn bài”.
 
Những khó khăn
 
Qua đánh giá của các trường, điểm khó của hình thức học trực tuyến, học qua mạng xã hội đang gặp phải khó khăn vì học sinh chưa quen, ý thức học tập chưa cao, khó quản lý học sinh. Mặt khác, học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tập... Thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Nghỉ học kéo dài nên giải pháp tình thế của trường là vừa ôn lại kiến thức cũ kết hợp với giảng dạy một số bài học mới qua việc dạy học online. Cũng chỉ khoảng 50% học sinh tham gia. Nguyên nhân chủ yếu vì học sinh của trường thuộc diện khó khăn khá nhiều, điều kiện sử dụng điện thoại có kết nối 4G cũng hạn chế, máy laptop hay hệ thống mạng, wifi dùng cho học tập cũng là vấn đề. Vì thế, chất lượng học tập, đánh giá quá trình học tập online của học sinh cũng là điều khó khăn”.
 
Học online, giáo viên giao bài tập cho học sinh, điểm sẽ được ghi vào kiểm tra 15 phút hoặc cộng điểm kiểm tra miệng, không thể cho vào bài 1 tiết hoặc đánh giá chất lượng của học sinh cuối năm được. Vì như thế sẽ không công bằng với những em không có điều kiện học online. Nhất là học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu khó khăn.
 
Chưa rõ sẽ đánh giá học sinh như thế nào vào cuối năm học, vì nội dung chương trình so với trước đã được tinh giản và nay lại tinh giản nữa thì liệu học sinh có bị hỏng, mất kiến thức hay không? Một hiệu trưởng trường tiểu học tại huyện Châu Thành, lo ngại: “Học sinh từ lớp 2 trở lên không lo lắm, vì cơ bản các em đã có kiến thức nền từ lớp 1, lo nhất là học sinh lớp 1, các em mới học được có 1 học kỳ, rồi nghỉ tết đến nay, vừa mới biết viết chữ, đọc bập bẹ chưa rành lại nghỉ học kéo dài nên tôi lo các em quên, khi vào học giáo viên sẽ phải giảng dạy từ đầu. Không biết sẽ đánh giá học sinh như thế nào khi kết thúc năm học?”.
Vậy đâu là giải pháp phù hợp cho bài toán chất lượng của học sinh khi đánh giá kết thúc năm học trong tình hình nghỉ học kéo dài như hiện nay?
Tự học là giải pháp để học sinh chủ động đảm bảo lượng kiến thức, nhưng phần nhiều cũng chỉ có học sinh cuối cấp THPT chú tâm.
 
Giảm tải chương trình theo từng môn học phù hợp
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh khi công bố chương trình phổ thông đã tinh giản là: Việc kiểm tra, đánh giá đối với học sinh sẽ không nằm trong nội dung chương trình được tinh giản, cụ thể là sẽ không thi các phần được ghi “không dạy”, “không thực hiện”, “không làm”, phần “khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự làm ở nhà”.
 
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Với môn ngữ văn, nhiều phần nội dung liên quan đến các tác phẩm văn học được bộ giảm tải. Như bài “Rừng Xà Nu” được đưa vào phần tự học có hướng dẫn, “Ông già và biển cả”, “Những đứa con trong gia đình” “Một người Hà Nội”… được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào phần khuyến khích tự đọc, tự học… Điều này cũng đồng nghĩa, các đề thi kiểm tra, đánh giá năm nay trường sẽ không ra vào các nội dung này”. Theo cô Huyền, với các nội dung đã được tinh giản như vậy thì học sinh sẽ chỉ cần tập trung vào các tác phẩm của học kỳ I và một số bài trọng tâm của học kỳ II... để có thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
 
Những năm học trước đây, việc đánh giá học sinh sẽ được thực hiện thông qua các bài kiểm tra chất lượng, như kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra giữa học kỳ, kiểm tra chất lượng học kỳ II, hay việc đánh giá quá trình qua năng lực học tập, thông qua tính chuyên cần, khả năng làm việc nhóm... Tuy nhiên, do điều kiện thực tế tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, giải pháp tinh giản nội dung môn học được cho là phù hợp nhất để căn cứ đánh giá chất lượng học sinh. Với chương trình tinh giản, học sinh vẫn sẽ được đánh giá thông qua các bài kiểm tra, khi trở lại học tập bình thường sau thời gian nghỉ học chống dịch.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Nội dung giảm tải tập trung các lớp cuối cấp của mỗi bậc học, đặc biệt ở trung học. Tinh giản những bài học mang tính lý thuyết được giảm hẳn không thực hiện trên lớp.
 
Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn việc dạy học qua internet và truyền hình, xây dựng kế hoạch dạy học, giáo viên giảng dạy như thế nào, tài liệu dạy học... để đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Theo dõi được việc học của học sinh để việc kiểm tra, đánh giá ghi nhận kết quả học tập đạt chất lượng. Các trường sẽ kiểm tra, đánh giá học sinh theo đúng tinh thần mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh khi công bố chương trình phổ thông đã tinh giản là: Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu: “không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học”…
 
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III