Bí quyết chăm sóc trẻ tự kỷ bằng những trò chơi hữu ích

Thứ sáu, 10 Tháng 4 2020 07:42 (GMT+7)
Trẻ tự kỷ luôn khiến cha mẹ lo lắng bởi đa số các em không phản ứng lại với sự nguy hiểm. Các trò chơi cuốn hút trẻ đôi khi lại gây ra thương tích, đau đớn. Tuy nhiên, vẫn có những bí quyết nhất định để trẻ có thể vừa vui chơi phát triển vừa bảo đảm an toàn tối đa.
Bí quyết chăm sóc trẻ tự kỷ bằng những trò chơi hữu ích
Một lớp tập huấn tăng cường nhận thức của cộng đồng về trẻ tự kỷ.
 
Nhận diện nguy hiểm
 
Một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả với trẻ tự kỷ là dạy trẻ thông qua các trò chơi phù hợp. Thế nhưng, không phải trò chơi nào cũng phù hợp với trẻ. Trẻ gặp khó khăn trong việc học thông qua quan sát và khám phá môi trường xung quanh, khi chơi và giao tiếp cùng những người khác, trong việc tìm hiểu về người khác và hiểu hành vi của họ. Vì thế, trẻ tự kỷ có thể thấy trải nghiệm xã hội không hấp dẫn, dẫn đến thời gian trẻ tham gia vào các tương tác xã hội giảm đi.
 
BS Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên Âm ngữ Trị liệu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, chuyên gia đồng hành cùng A365 cho biết: “Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ có kiểu định hình vận động đơn giản như xoay tròn, nhảy lên, lắc lư cơ thể, sắp xếp đồ chơi theo hàng, lật các đồ vật, nhại lời. Trẻ thờ ơ rõ ràng với cảm giác đau và nhiệt độ. Đặc biệt, trẻ ngửi và sờ rất nhiều vào đồ vật, mê mải quan sát các loại ánh sáng hay những chuyển động. Chính những điều này thường khiến trẻ gặp nguy hiểm khi vui chơi”.
 
Để có thể giúp trẻ, cha mẹ cần quan sát kỹ và tìm ra điều khiến trẻ chú ý. Với những trò chơi hay sự thu hút có thể gây nguy hiểm cho trẻ, cha mẹ hãy nhìn nhận đó là một hành vi tiêu cực và tìm cách giảm thiểu, hướng dẫn trẻ những trò chơi mới, bổ ích nhằm tăng cường hành vi tích cực. Khi trẻ thực hiện những điều được hướng dẫn, cha mẹ cần khen khi trẻ làm đúng. Thường xuyên khen ngợi, khích lệ khi bé làm được một việc tốt hay hoàn thành một việc gì đó để trẻ thêm tin tưởng vào khả năng của bản thân. Từ đó, trẻ sẽ chủ động nhiều hơn khi xử lý các việc trong cuộc sống. Trong trường hợp trẻ làm chưa tốt, cha mẹ hãy nhận xét, giúp đỡ, hỗ trợ trẻ. Cha mẹ cũng cần bắt chước trẻ và đặc biệt phải tạo ra sự vui vẻ khi chơi với trẻ.
 
Chơi mà học
Hãy cho trẻ chơi đùa với bạn bè nhiều hơn.
 
Trên website của dự án Hỗ trợ chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ www.a365.vn, bố mẹ có thể tìm thấy rất nhiều trò chơi đơn giản có thể hướng dẫn trẻ chơi như một cách can thiệp hiệu quả giúp trẻ tự kỷ không thiếu hụt kĩ năng. Thí dụ như, các trò chơi giúp phân biệt màu sắc vô cùng đơn giản bằng cách trộn nhiều loại khuy áo vào nhau cho trẻ phân loại.Website còn bao gồm rất nhiều bài tập thú vị khác mà cha mẹ hoàn toàn có thể tự áp dụng tại nhà.
 
BS Phan Thiệu Xuân Giang chia sẻ: “Cha mẹ nên dành thời gian để chơi với con. Vai trò của cha mẹ là một người cùng chơi rất năng động của trẻ. Hãy nương theo hướng chơi của trẻ và chơi bất cứ trò nào thu hút sự thích thú của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ phải làm điều đó theo cách khuyến khích trẻ tương tác với mình. Thí dụ, cha mẹ có thể bắt đầu luân phiên với trẻ bằng cách đến lượt ai xếp xe thành hàng, cho đến khi trẻ trông đợi và chờ đến lượt cha mẹ. Rồi sau đó, cha mẹ bất ngờ đặt một chiếc xe vào vị trí sai và gợi cho trẻ mở và đóng một vòng tròn giao tiếp khi trẻ biết sửa vị trí sai này”.
Đưa trẻ đến tham gia các sự kiện cộng đồng để tăng cường sự tự tin ngay từ khi còn nhỏ.
 
Thường xuyên tương tác với A365.vn và fanpage của chương trình, cha mẹ có con tự kỉ có thể tìm hiểu và nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia của dự án Hỗ trợ chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ về cách can thiệp cụ thể giúp trẻ hoà nhập thông qua các trò chơi an toàn, phương thức chăm sóc, giáo dục đặc biệt và công cụ theo dõi quá trình phát chuyển biến của trẻ khi thực hiện can thiệp.
 
Mỗi trẻ tự kỉ đều có những sự khác biệt riêng vì thế những biện pháp can thiệp cho từng trẻ đều phải được cá nhân hóa để có được kết quả tốt nhất.
 
Theo Bà Stephanie Shire, Cố vấn Khuyết tật Phát triển và Khuyết tật Trí tuệ cho WHO và Autism Speaks (Tự kỷ lên tiếng – US), các gia đình có trẻ nhỏ tự kỷ cần có các phương pháp để tương tác với con nhiều hơn, hiệu quả hơn trong các hoạt động thường ngày ở nhà. Từ đó giúp trẻ kết nối được với mọi người chung quanh hơn, cởi mở nói chuyện và học được nhiều kỹ năng mới. Đó cũng chính là ý nghĩa của Chương trình Đào tạo cán bộ nguồn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức, được thiết kế dành cho các gia đình có trẻ nhỏ cần được học theo các phương pháp chuyên biệt.
 
Đối với A365, các chuyên gia của dự án đã, đang nỗ lực thiết kế nhiều chương trình, hoạt động để hỗ trợ cha mẹ đồng hành cùng trẻ tự kỷ từ những hoạt động vừa học vừa chơi cho tới các biện pháp can thiệp khoa học được công nhận bởi các cơ quan chuyên môn như Bệnh viện Nhi T.Ư. Tháng 4-2020, nhân tháng hành động vì trẻ tự kỷ, A365 cũng đang tiến hành một hoạt động ý nghĩa cùng Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, tài trợ để tổ chức các lớp tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ.
 
(Hình ảnh đã được phụ huynh trẻ cho phép sử dụng).
 
HÃY THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH MỘT TRĂM NGHÌN CHỮ A ỦNG HỘ NGƯỜI TỰ KỶ
 
Chương trình được tổ chức với cách thức tham gia vô cùng đơn giản:

- Chụp hình một hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe mà bạn và gia đình tham gia trong cuộc sống thường ngày (đi bộ, tập thể dục, tập các bài tập rèn luyện thể chất...), hoặc các hình ảnh vui tươi, tích cực.

- Post lên trang cá nhân ở chế độ public, và gắn 3 hashtag #autism#awareness , #a365
 
Chỉ cần làm như vậy thôi, bạn đã góp 3 chữ A cho mỗi bức hình. Số lượng post không hạn chế. Bạn có thể post nhiều hoạt động hằng ngày và vận động bạn bè tham gia. Khi gom đủ 100 nghìn chữ A, nhà tài trợ sẽ tặng 200 triệu đồng để mở các lớp tập huấn phụ huynh.
 
Chương trình được khởi xướng từ tổ chức Vietnam Autism Network (VAN) - Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam và A365 là nhà tài trợ.
TRẦN MAI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III