Chủ động ôn tập, rèn kỹ năng làm bài là giải pháp vượt qua kỳ thi có nhiều điểm mới năm nay. (Ảnh chụp trước thời điểm cho nghỉ học)
Học sinh, phụ huynh chưa an tâm
Em Hứa Hoàng Lộc, học sinh lớp 12CB1, Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Thời gian trước, em hơi lo lượng kiến thức của mình không đáp ứng kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra “học gì thi nấy”, em thấy tự tin hơn. Em có dự tính học xong lớp 12 sẽ đi học nghề để sớm có việc làm lo cho gia đình. Mục tiêu của em thi THPT là để xét tốt nghiệp, với những thay đổi về phương án thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em cảm thấy sẽ nhẹ nhàng hơn, giảm bớt áp lực thi cử”.
Khác em Lộc, em Trần Đức Trí, học sinh lớp 12AV, Trường THPT chuyên Vị Thanh, lại khá lo lắng: “Em thấy hơi áp lực khi đón nhận phương án thi THPT năm 2020. Em đang dự định đăng ký xét tuyển tổ hợp A01 (toán, vật lý, Anh văn) vào Trường Đại học Ngoại Thương cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh hay Trường Đại học Quốc gia Hà Nội với ngành quan hệ quốc tế. Theo em tìm hiểu, trường sẽ tổ chức thi riêng, như thế sẽ tăng thêm áp lực cho thí sinh khi phải làm quen với dạng đề của trường. Không biết liệu tổ hợp A01 có tồn tại nữa không vì bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên chỉ tính một đầu điểm, không cho điểm từng môn thành phần”.
Ông Trần Thanh, một phụ huynh có con học Trường THPT chuyên Vị Thanh, bộc bạch: “Tôi thấy con bị áp lực. Vì con sẽ phải theo dõi thêm các thông tin: Xem trường đại học có thay đổi phương án thi hay xét tuyển. Lo nữa là mục tiêu thi chỉ xét tốt nghiệp THPT nên các trường ôn tập nhẹ nhàng hơn, chỉ tập trung nhiều vào thi tốt nghiệp, con tôi lại phải tìm thầy bồi dưỡng, phải thêm chi phí để chuẩn bị cho việc vào đại học sau đó”.
Nhóm muốn xét tuyển đại học lo nhiều
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (không còn là kỳ thi 2 trong 1 vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng như năm trước), dự kiến diễn ra vào tháng 8-2020 với các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Điểm mới của kỳ thi năm nay theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là: Xét tốt nghiệp THPT, sẽ do UBND tỉnh tổ chức thi; đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn để đảm bảo khách quan; bài thi tổ hợp sẽ chỉ có 1 đầu điểm, thay vì ba đầu điểm môn thành phần như các năm trước…
Ông Lưu Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh, cho biết: “Kỳ thi năm nay với mục đích chính là xét tốt nghiệp thì đề thi sẽ nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực, căng thẳng cho học sinh. Đó là điều chúng tôi thấy mừng. Tuy nhiên, lo là các em có nguyện vọng vào đại học. Nếu các trường đại học thấy đề thi không đủ độ phân hóa để xét tuyển thì sẽ tổ chức kỳ thi riêng. Do đó, sau khi thi tốt nghiệp xong, học sinh sẽ tham gia tuyển sinh của các trường đại học. Học sinh khối 12 của nhà trường hiện nay đều có mục tiêu vào các trường đại học. Chúng tôi đang đợi khi học sinh vào học lại sau thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19 sẽ phối hợp với tổ chuyên môn xây dựng lại kế hoạch ôn tập và hướng dẫn, phổ biến lại hình thức thi và phương án thi cho học sinh nắm rõ. Quan trọng là phải nâng cao ý thức tự học và chủ động học tập của học sinh”.
Còn ông Nguyễn Quốc Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Nhà trường sẽ có kế hoạch tư vấn tuyển sinh cho học sinh chọn đúng ngành nghề, cập nhật các thông tin về phương án tuyển sinh của các trường đại học để hướng dẫn và phối hợp cùng phụ huynh động viên học sinh giữ tâm lý ổn định, tự tin để học tập, thi cử tốt nhất”.
Theo thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo trước đó, Bộ sẽ xây dựng đề thi và cung cấp cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT, chủ yếu là lớp 12, phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ II Bộ đã công bố, giảm độ khó và độ phân hóa so với thi THPT quốc gia mọi năm để phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy học do ảnh hưởng của Covid-19.
Với kế hoạch sẽ phân loại học sinh lại để việc ôn tập hiệu quả hơn, ông Huỳnh Ngọc Tới, Phó Hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Nếu trước đây phân lớp theo tổ hợp môn, nay sẽ phân chia học sinh theo từng mục tiêu của kỳ thi. Dự kiến buổi sáng sẽ dành cho học sinhh ôn tập kiến thức để đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những học sinh có mục tiêu tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi riêng của các trường đại học tốp trên sẽ tiếp tục ôn luyện nâng cao vào buổi chiều”.
Cho dù có sự thay đổi, học sinh lớp 12 cũng phải trải qua một kỳ thi trước mắt để xét tốt nghiệp THPT tới đây, cho nên thời điểm này, tiếp tục ôn luyện nghiêm túc, chủ động là việc cần hơn là ngồi một chỗ mà lo lắng… Còn xét tuyển đại học, cao đẳng, với tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người cho rằng có thể dễ thở và phù hợp hơn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi hai bài bắt buộc toán, ngữ văn và một bài thi tự chọn. Các bài thi toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ được ra theo hình thức trắc nghiệm. Riêng bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Dự kiến kỳ thi chỉ tổ chức trong 1,5 ngày, giảm hơn nửa thời gian so với năm trước.
|
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)