Bảo đảm kiến thức cho học sinh lớp một khi quay lại trường học

Thứ hai, 27 Tháng 4 2020 07:44 (GMT+7)
Nhiều địa phương trong cả nước đã có kế hoạch cho học sinh tiểu học đi học trở lại sau thời gian nghỉ ba tháng để phòng tránh dịch Covid-19. Việc dạy học đối với học sinh lớp một sẽ gặp một số khó khăn do đặc thù của học sinh lớp một là "nhanh nhớ, nhanh quên", và hình thức dạy trực tuyến khó đem lại hiệu quả như dạy ở trên lớp. Do đó, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần có những giải pháp phù hợp để bảo đảm học sinh lớp một đọc thông, viết thạo, biết tính toán trước khi lên lớp hai.
Bảo đảm kiến thức cho học sinh lớp một khi quay lại trường học
Trường tiểu học Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) phun thuốc khử trùng, chuẩn bị đón học sinh trở lại học vào ngày 4-5.
 
Khó tránh khỏi việc học sinh quên kiến thức
 
Tại thời điểm học sinh lớp một tạm nghỉ đến trường do dịch Covid-19, các em vừa học xong chương trình học kỳ 1 (18 tuần đầu). Với môn tiếng Việt, các em vừa hoàn thành các bài học về âm và vần đơn giản và bắt đầu chương trình học kỳ 2 (17 tuần tiếp theo). Chương trình môn tiếng Việt lớp một ở học kỳ 2 rất quan trọng, đó là giai đoạn các em được tiếp tục học hết các vần (nhất là các vần khó), viết đoạn chính tả ngắn, đọc và hiểu một văn bản, hình thành kỹ năng viết chữ nhỏ bằng bút mực, viết hoa,…. Giáo viên lớp một vẫn coi đây là “giai đoạn vàng” để hoàn thành kỹ năng đọc thông, viết thạo cho mỗi học sinh.
 
Do đặc điểm trí nhớ của học sinh lớp một là “nhanh nhớ, nhanh quên”, cho nên với thời gian nghỉ học dài như vậy, học sinh lớp một quên kiến thức, quên các động hình, nền nếp học tập,… là điều không thể tránh khỏi.
 
Trong thời gian tạm nghỉ đến trường, nhiều em tiếp tục học tại nhà theo hình thức học trực tuyến hoặc tự ôn tập theo các phiếu học tập. Tuy nhiên, các hình thức này mang lại hiệu quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân là do vốn từ của các em còn quá ít, ý thức tự học chưa cao, khả năng sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ cho học tập chưa thành thạo. Với đặc thù dạy học lớp một, giáo viên phải cầm tay, chỉ việc “uốn từng nét, xét từng con chữ” thì việc dạy học trực tuyến không thể bảo đảm được. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chưa biết cách hướng dẫn con em mình học tập, nhất là môn tiếng Việt.
 
Nhà trường, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ
Phụ huynh Trường tiểu học Trường Sơn (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) giúp học sinh tự học ở nhà.
 
Ai cũng biết “Lớp một là móng, cấp một là nền”, bởi vậy, việc học sinh lớp một biết đọc thông, viết thạo và biết tính toán để học lên lớp trên là điều hết sức quan trọng và có tính quyết định. Do đó, bằng mọi giải pháp các nhà trường và giáo viên phải tổ chức dạy học để bảo đảm học sinh lớp một biết đọc, biết viết, biết tính toán mới cho lên lớp hai.
 
Trong khuôn khổ bài viết này, xin đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định chất lượng học sinh lớp một sau đợt nghỉ do dịch Covid-19 như sau:
 
Trước hết, cần phân loại đối tượng học sinh. Có thể dễ dàng nhận thấy có ba nhóm đối tượng học sinh cơ bản như sau: Nhóm 1: Là các học sinh có điều kiện, được phụ huynh quan tâm hướng dẫn đúng cách, thường xuyên được ôn tập, rèn đọc, viết… thậm chí được dạy thêm, dạy trước (nhóm này đến nay đã rất thành thạo đọc, viết). Nhóm 2: Là những học sinh có được quan tâm hướng dẫn nhưng không đầy đủ, đúng phương pháp (nhóm này đến nay có thể đã đánh mất một số kỹ năng, biểu hiện như: quên mặt một số chữ cái, đánh vần sai, viết chậm, viết sai quy trình, phương vị…). Nhóm 3: Là những học sinh không được tiếp xúc với việc đọc, viết các con chữ từ lúc nghỉ học đến nay, thậm chí có em đã quên rất nhiều âm, chữ đã học.
 
Bởi vậy, ngay những buổi đầu tổ chức dạy học trở lại, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cần kiểm tra tất cả học sinh lớp một hai môn tiếng Việt và Toán để biết em nào còn nhớ, em nào đã quên kiến thức. Trên cơ sở đó, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phân loại học sinh theo các nhóm đối tượng như trên. Có thể biên chế lại lớp học để tạo điều kiện cho giáo viên dạy đúng đối tượng học sinh. Cùng với giải pháp này là việc phân công lại giáo viên cho phù hợp để những giáo viên có kinh nghiệm phát huy khả năng kèm cặp, phụ đạo đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập.
 
Thứ hai, cần linh hoạt việc tổ chức dạy học. Tiếng Việt và Toán là hai môn học công cụ của học sinh và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn điều chỉnh hai môn này, vì vậy, tuyệt đối không được dạy cắt xén.
 
Với nhóm (lớp) học sinh còn nhớ kiến thức, tiếp tục dạy học bài mới theo phân phối chương trình. Với nhóm (lớp) học sinh đã quên kiến thức, cần tổ chức ôn tập cho học sinh trước khi dạy bài mới.
 
Việc dạy đối tượng học sinh yếu cũng cần tập trung hầu hết thời gian cho việc rèn kĩ năng đọc, viết. Ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên theo dõi, cập nhật và kiểm tra nhóm đối tượng này trong từng tuần.
 
Đối với các môn học và hoạt động giáo dục còn lại, căn cứ vào thực tế, các nhà trường cần nghiên cứu, sắp xếp để tổ chức dạy học theo hướng tích hợp liên môn, theo chủ đề nhằm giảm bớt thời lượng dạy học các môn học và hoạt động giáo dục này, dành thêm thời gian cho hai môn tiếng Việt và Toán.
 
Một số bài học, hoạt động giáo dục có thể xây dựng thành video, clip, phiếu học tập,… để phụ huynh hướng dẫn con tự học ở nhà, tuy nhiên cần có hướng dẫn và liên hệ chặt chẽ với phụ huynh.
 
Tiếp tục duy trì hình thức dạy học trực tuyến (nên dạy các môn học như: Thủ công, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật) và phát phiếu học tập cho học sinh.
 
Thứ ba, cần chú trọng phối hợp với phụ huynh. Ngay sau khi học sinh trở lại trường học tập, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cần tổ chức họp phụ huynh (trực tuyến, trực tiếp) để chia sẻ thông tin cụ thể từng học sinh và hướng dẫn phụ huynh phối hợp với nhà trường và giáo viên trong việc hỗ trợ, giúp đỡ học sinh học tại nhà, như: hướng dẫn phụ huynh cách hướng dẫn con học môn tiếng Việt; hướng dẫn phụ huynh sử dụng video, clip, phiếu học tập,… để hướng dẫn con học.
 
Tiếp tục duy trì nhóm facebook, zalo, messenger,… của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh để hai bên tương tác với nhau trong quá trình hướng dẫn học sinh học ở nhà.
 
PHAN DUY NGHĨA - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III