Giúp học sinh vững tin trước thi tốt nghiệp THPT 2020

Thứ sáu, 01 Tháng 5 2020 10:14 (GMT+7)
Những kế hoạch học tập, ôn luyện cho kỳ thi cuối cấp của học sinh lớp 12 bị trì hoãn vì dịch COVID-19 đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh lẫn phụ huynh. Bên cạnh nỗ lực tự học, học trực tuyến của học sinh; đã có thêm sự hỗ trợ từ nhiều phía giúp các em vững tin hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Cô Nguyễn Thị Ngợi, Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT Thới Lai đang dạy trực tuyến. 
 
Trong tuần qua, khi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, có con trai đang học lớp 12, băn khoăn: “Do dịch bệnh, thời gian qua, con tôi tự học tại nhà và học trực tuyến theo thời khóa biểu của trường. Gia đình tôi lo không biết cháu có được học và ôn tập đầy đủ để thi tốt nghiệp THPT, rồi thêm đợt tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng”. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Mấy ngày nghỉ ở nhà, con tôi đều nỗ lực ôn tập và làm bài do giáo viên gửi, nhưng gia đình cũng lo vì kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi”. Em Nguyễn Thị Hồng Đào, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết luôn tự động viên cố gắng học tập. Năm nay, Đào dự định thi vào ngành Quản lý thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ, nên em tự học thêm 3 môn (Toán - Hóa - Sinh) để đủ khả năng ứng thí kỳ thi tốt nghiệp THPT và dự tuyển đại học.
 
Sự lo lắng của học sinh và phụ huynh trước những thay đổi của thi tốt nghiệp THPT 2020 là tất yếu. Cán bộ quản lý, thầy cô giáo các trường THPT của thành phố cũng lo cho học trò và đã điều chỉnh kế hoạch thời gian ôn tập của học sinh phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định của ngành.
 
Đơn cử như Trường THPT Thới Lai, hằng năm sau kiểm tra học kỳ I, trường tổ chức phụ đạo trái buổi cho học sinh lớp 12 có điểm thi thấp các môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Sau khi thi và có kết quả học kỳ II, trường tiếp tục phân loại học sinh yếu để phụ đạo thêm... Riêng năm học 2019-2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, học sinh phải tạm nghỉ học thời gian dài, thầy và trò phải dạy và học qua hình thức trực tuyến. Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: “Với kinh nghiệm tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp, nhà trường đã tăng tiết cho các em từ học kỳ I, nên không quá bị động. Kế hoạch ôn tập cho các em được lùi thời gian dạy, nhưng thời lượng đảm bảo chương trình, kiến thức”.
 
Trên tinh thần chung đó, Ban Giám hiệu Trường THPT Thới Lai chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng nội dung dạy học theo hướng tóm tắt lý thuyết, tăng bài tập áp dụng, các câu hỏi kiểm tra đánh giá cho từng chủ đề, chuyên đề cụ thể. Theo cô Nguyễn Thị Ngợi, Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT Thới Lai, do đặc thù của môn học nên thầy cô trong tổ chú trọng kỹ năng làm bài cho học sinh, nhất là kỹ năng trong quá trình làm bài thi: hiểu - biết - vận dụng. Ví như một đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn ngắn, các em trình bày với dung lượng vừa phải. Trong quá trình ôn tập, giáo viên nhắc nhở học sinh kỹ năng làm bài nghị luận xã hội, văn học… Trừ những tác phẩm Bộ GD&ĐT đã tinh giản, các tác phẩm còn lại, học sinh phải nắm vững tác phẩm, nội dung cơ bản của tác phẩm nghị luận văn học ở chương trình lớp 12. Cô Ngợi cho biết: “Qua tham khảo đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó, so với đề thi năm trước tương đối vừa sức học sinh, nhưng tôi khuyên các em không nên chủ quan, phải đọc đề kỹ, cần có kiến thức quan trọng về đọc hiểu, nắm vững cách làm bài”.
 
Theo thầy Nguyễn Phú Phong Lưu, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Thới Lai, trong quá trình ôn tập, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, không nên quá lệ thuộc vào máy tính cầm tay; vừa học vừa ôn tập kiến thức, không để học hết chương trình rồi mới ôn, phải ôn tập kiến thức cơ bản để nhớ; phải có kế hoạch tự học, tự rèn luyện kỹ năng làm bài tập, tránh sai sót không đáng có. Thầy Phong Lưu nhấn mạnh: “Đề thi minh họa được công bố trước đó nhằm 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét đại học, cao đẳng; nên sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới vì phương án thi THPT 2020 vừa được Thủ tướng đồng ý chủ yếu để xét tốt nghiệp THPT; các trường đại học, cao đẳng sẽ có phương án tuyển sinh riêng. Quan trọng nhất lúc này là học sinh phải nắm vững kiến thức và kỹ năng làm bài tập”.
*
*  *
Sự thay đổi kỳ thi cuối cấp THPT năm nay đòi hỏi các trường phải chủ động thay đổi phương án tổ chức dạy và học phù hợp thực tế của đơn vị, quy định của ngành. Theo ghi nhận tại nhiều trường THPT, thông thường số tiết của học sinh lớp 12 nhiều hơn lớp 11, nghĩa là học sinh học buổi sáng chính khóa, buổi chiều ôn thi THPT nên học sinh lớp 12 đã gần hoàn thành chương trình, chủ yếu thời gian còn lại là tự ôn, tự học... Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: “Bên cạnh chương trình học tập và ôn luyện, trường hỗ trợ học sinh bằng cách giới thiệu nhiều trang học trên mạng chính thống, kênh học trên truyền hình các tỉnh, thành khác và đưa video giảng dạy trên kênh trang web của trường. Để giúp các em vững tin trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, cần có nỗ lực của bản thân học sinh, sự tận tụy từ nhà trường và sự quan tâm theo sát của phụ huynh”. Thầy Nguyễn Hữu Định cho rằng, nhằm giúp hơn 1.800 học sinh Trường THPT Thới Lai (trong đó có 487 học sinh lớp 12) học tốt, lãnh đạo nhà trường tiếp tục duy trì tổ chức, hướng dẫn dạy học qua các phương tiện công nghệ kết hợp dạy trực tuyến, sau khi học sinh trở lại trường học vào đầu tháng 5 tới.
 
Ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 do Bộ GD&ĐT trình. Thí sinh dự kỳ thi này để xét tốt nghiệp THPT. Các trường đại học, cao đẳng sẽ tự chủ tuyển sinh. Tức là năm nay sẽ không có Kỳ thi THPT Quốc gia để vừa xét tốt nghiệp vừa dùng để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
 
Thí sinh THPT bắt buộc làm 3 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; bài thi Khoa học xã gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân - riêng đối với thí sinh giáo dục thường xuyên thì chỉ gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lý).
 
Thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
 
Bộ GD&ĐT ra đề thi chung cho cả nước, thanh tra, giám sát kỳ thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm các khâu coi thi, chấm thi tự luận, thanh tra thi. 
Bài, ảnh: B.Kiên - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III