Bao giờ công tác phân luồng mới đạt chỉ tiêu ?

Thứ ba, 02 Tháng 6 2020 10:24 (GMT+7)
Công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu tích cực, nhưng để đạt chỉ tiêu có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề, 70% vào THPT trong năm nay như là “Nhiệm vụ bất khả thi”…
Ngoài tư vấn hướng nghiệp trực tiếp, các cơ sở GDNN còn phát tờ rơi để học sinh tìm hiểu, chọn hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp THCS.
 
Có phân luồng, nhưng các em không theo
 
Theo kết quả phân luồng học sinh sau THCS trong 5 năm qua (từ năm học 2015-2016 đến 2019-2020) trên địa bàn tỉnh, trung bình có khoảng 21,2% học sinh sau tốt nghiệp THCS được phân luồng vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX), nhưng số này chưa hề đi… đúng luồng. Trong 21,2% đó, chỉ có 9,4% vào học sinh vào học ở các cơ sở GDNN - GDTX, còn 11,8% học sinh theo các luồng khác, có thể học tiếp hoặc không học.
 
Qua kết quả trên, có thể thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Ông Huỳnh Thanh Võ, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Để đạt được chỉ tiêu phân luồng rất khó. Như thực tế ở trường, mỗi năm chúng tôi đều có kết hợp với các trung tâm GDNN - GDTX, trường nghề xuống tư vấn hướng cho học sinh và phụ huynh, nhưng kết quả phân luồng vẫn không khả quan. Do học sinh sau THCS ở trường thường sẽ chọn thi sang trường THPT trên địa bàn hoặc trường chuyên của tỉnh, riêng những em còn lại sẽ theo phụ huynh đi làm, chứ đi học tiếp thì ít lắm”.
 
Học sinh tốt nghiệp THCS thường ở độ tuổi 15-16 tuổi, đa số chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên việc lựa chọn học thế nào thường dựa vào sự quyết định của phụ huynh. Thế nhưng, phần lớn phụ huynh vẫn có tâm lý muốn con học mình vào đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, ở những gia đình có kinh tế khó khăn, phụ huynh sẽ chọn cho con em đi làm sau khi tốt nghiệp THCS.
 
Ông Dương Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành, tâm sự: “Hàng năm, xác định lực học của từng em, nhà trường tư vấn để các em chọn được hướng đi phù hợp với năng lực. Riêng những em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng học lực hơi yếu, chúng tôi sẽ tư vấn các em vào học ở hệ GDTX để kết hợp học nghề. Dù đã thực hiện nhiều cách, nhưng công tác phân luồng ở trường vẫn còn rất khó. Vì đa số các em muốn vào THPT ít muốn học nghề, phần còn lại nếu không vào được trường THPT, thì thường sẽ được gia đình hướng đi làm công nhân, thay vì học tiếp”.
 
“Không muốn con mình làm thợ” có lẽ là tâm lý chung của nhiều phụ huynh. Đây là một trong những nguyên nhân, gây khó khăn trong công tác phân luồng trong nhiều năm nay của tỉnh. 
 
Nhưng nói đi cũng nói lại, ngành nghề học trung cấp của tỉnh do nhiều nguyên nhân nên chưa có sự đa dạng, đáp ứng được nhu cầu học nghề theo khả năng và sự yêu thích của người học, nên việc không đạt chỉ tiêu phân luồng đừng chỉ căn cứ vào tâm lý, cách chọn nghề của học sinh, phụ huynh mà đánh giá.
 
Có giải pháp, nhưng có đạt tỷ lệ ?
 
Việc phân luồng học sinh sau THCS còn chịu tác động của nhiều nguyên nhân, như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp học sơ cấp, trung cấp còn rất thấp; chỉ đạo phân luồng có tăng nhưng vẫn chưa đạt kết quả cao, khi học sinh vào các luồng chưa đồng đều; cơ sở vật chất, đội ngũ làm công tác phân luồng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu… Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Long, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Dù có kết hợp cùng các trường nghề tư vấn hướng nghiệp, nhưng có lẽ tuyên truyền chưa tới, nên vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa nắm được cơ hội việc làm sau khi học nghề hay việc học ở hệ thường xuyên. Trường chỉ là tuyên truyền để các em tự lựa chọn, chứ không bắt ép được”.
 
Chia sẻ tại Hội thảo Hướng nghiệp tuyển sinh trung cấp, cao đẳng - Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 vừa qua, bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Sẽ tăng cường tuyên truyền để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và xã hội hiểu về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa cơ sở GDNN với các trường để tư vấn cho học sinh. Tập trung đổi mới nội dung phương pháp, hình thức hướng nghiệp ở các trường phổ thông để cung cấp đầy đủ thông tin, chính sách ưu tiên đối với người học ở các cơ sở GDNN. Mặt khác, ngành sẽ huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trong hướng nghiệp, phân luồng, nhằm giúp phụ huynh, học sinh an tâm khi lựa chọn nghề học sau phân luồng.
 
Ngành giáo dục và đào tạo cũng lên kế hoạch tăng cường quản lý hướng nghiệp và định hướng cho học sinh để đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và 45% học sinh THPT tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Mặt khác, đẩy mạnh phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm công tác hướng nghiệp tại các trường, thường xuyên tổ chức trao đổi, đánh giá chia sẻ kinh nghiệm với các cơ sở GDTX…
 
Giải pháp đã có, chỉ hy vọng khi đi vào thực tế, tỷ lệ phân luồng sẽ đạt như mong đợi!
 
Giải pháp rất hay khi triển khai, nhưng khó khăn lúc thực hiện
 
Phân luồng học sinh THCS hiện được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc THPT và hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng thực tế việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần sau THCS học sinh đều chọn tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào các trường đại học hoặc cao đẳng. Vì vậy, tỷ lệ học sinh sau THCS sang học nghề còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Điều này đã khiến các trường nghề, các cơ sở GDNN - GDTX, gặp rất nhiều khó khăn, gian nan trong việc tuyển sinh, có trường ví vui rằng: “Tìm người học khó như mò kim đáy bể”.
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III